Dạy đạo đức trong trường sư phạm: Việc cần làm ngay

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt sự vụ xảy ra nơi trường học thời gian gần đây khiến dư luận hết sức bức xúc. Chưa bao giờ, vấn đề dạy đạo đức trong trường sư phạm lại được xới lên nhiều như hiện nay.

 Sinh viên ngành sư phạm, Đại học Thủ đô trên giảng đường. Ảnh: Phạm Hùng
Tăng cường dạy môn Đạo đức
Nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa môn Đạo đức vào chương trình đào tạo sư phạm. Đề xuất này hoàn toàn có căn cứ khi Bộ GD&ĐT chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới một số vấn đề về văn hóa ứng xử trong trường học. Cụ thể, chương trình cũng như quá trình đào tạo giáo viên vẫn còn trống mảng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Trong khi đó, giáo viên không được bồi dưỡng thường xuyên phương pháp sư phạm dẫn đến một số thầy, cô giáo chưa theo kịp sự biến động về tâm lý học sinh. Vì thế rất cần có môn Đạo đức trong trường sư phạm để dạy cho giáo sinh về những chuẩn mực đạo đức, cách giao tiếp ứng xử với học sinh, phụ huynh.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm còn cho rằng, bên cạnh kỹ năng sư phạm, đạo đức nghề nghiệp vô cùng quan trọng. Nhà giáo có năng lực sư phạm là phải biết ứng phó với mọi điều kiện, hoàn cảnh để duy trì kỷ luật trong lớp, ứng xử chuẩn mực và động viên được các em học tập. Cũng có ý kiến cho rằng, đối với người làm giáo viên, yêu cầu về tiêu chuẩn đạo đức phải khắt khe hơn so với các nghề khác. Nhiều năm dạy Ngữ văn, ông Nguyễn Khắc Thành - Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai) cho rằng: "Nhà giáo phải kiên nhẫn, yêu thương học trò, để từ đó có trách nhiệm với việc mình làm. Người thầy không được phép mang ức chế từ trong gia đình, xã hội “ném” vào học sinh".

Giáo viên cũng cần được tư vấn tâm lý

Nguyên Hiệu trưởng Đại học Giáo dục Lê Kim Long cho rằng, dưới tác động của môi trường xã hội, một số giáo viên không kiềm chế được cảm xúc dẫn đến những hành xử phản giáo dục. “Nếu trong nhà trường hoặc giáo viên cùng tổ bộ môn quan tâm lẫn nhau, chia sẻ với nhau để học sinh không phải chịu oan cái ấm ức đó” - ông Long chia sẻ.

Hiện nay, trước yêu cầu đổi mới giáo dục, giáo viên phải có năng lực, kỹ năng và đạt chuẩn cao hơn. Điều này đồng nghĩa, họ đang phải chịu nhiều áp lực về kết quả dạy học, thi đua, điểm số… nên có những lúc khó kiềm chế được hành động của bản thân làm ảnh hưởng đến học trò. Để hạn chế tối đa tình trạng này, đã có ý kiến đề nghị Phòng Tham vấn tâm lý trong mỗi nhà trường phổ thông không chỉ dành cho học sinh mà là cả giáo viên. Giáo viên có thể đến Phòng Tham vấn tâm lý để được chia sẻ, giải tỏa áp lực trong công việc.
Đây cũng có thể là nơi các thầy cô gặp nhau trao đổi chuyên môn và những công việc khác. Tuy nhiên lại có những ý kiến không đồng tình vì cho rằng ở trong trường sư phạm, các thầy cô đã được trang bị kỹ năng, nghiệp vụ và rèn luyện đạo đức.
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người Việt Nam nêu quan điểm: Học sinh đang ở giai đoạn vị thành niên, có nhiều cảm xúc và thay đổi tâm sinh lý, nên rất cần được tư vấn giúp xác định tư tưởng cũng như giải tỏa những khó khăn. Thầy cô giáo nhiều lúc cũng rơi vào cảnh bế tắc, khó sáng suốt để giải quyết vấn đề, rất cần được tư vấn. Nếu công tác tư vấn được thực hiện tốt, sẽ không có chuyện giáo viên "im lặng” suốt 3 tháng lên lớp như vừa qua.

Để mỗi trường học thực sự là môi trường giáo dục, Bộ GD&ĐT đang xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, sẽ ban hành trước năm học 2018 – 2019. Chỉ khi tăng cường giảng dạy môn Đạo đức trong trường sư phạm, thêm bộ quy tắc ứng xử trong trường học, hy vọng, môi trường học đường sẽ bớt đi những câu chuyện buồn như thời gian qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần