Gặp TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường PTTH Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, ông bày tỏ: Bây giờ vào mỗi dịp 20/11, tôi thường xuyên bắt gặp câu nói thường trực của nhiều người rằng: Ai chẳng thích tiền. Và vì vậy, những món quà ý nghĩa nhân ngày Hiến chương các nhà giáo ít dần đi.
Người ta tới tấp tặng nhau phong bì, hay tặng nhau những tấm thiệp công nghiệp mà trong đó cũng kèm những đồng tiền. “Nhưng phụ huynh có bao giờ nghĩ đến chuyện lắm giáo viên cũng… sợ những chiếc phong bì không?” - TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Không phải ngẫu nhiên Việt Nam có ngày Hiến chương các nhà giáo. Truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “không thầy đố mày làm nên” trong thời đại nào cũng đúng. Cho dù, ngày nay, với thời đại 4.0, học trò không chỉ học từ thầy, mà còn học từ nhiều nguồn khác nhau nhưng lòng tri ân thầy cô vẫn là nét đẹp cao quý.
Những thế hệ 8x trở về trước, đặc biệt là học trò trường huyện luôn luôn nhớ ngày 20/11 đứa mang đến nhà cô cân khoai, củ sắn. Văn minh hơn thì cùng cặm cụi làm thiệp, vẽ tranh, sáng tác thơ văn tặng thầy cô. “Những món quà ấm tách, dầu gội, xấp vải hoa… góp tay từ tiền tiết kiệm của học sinh sao mà trân quý đến thế. Quà từ tấm lòng mộc mạc và chân chất của những cô cậu học trò kính thầy mến bạn làm lòng người thầy ấm áp vô cùng” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhớ lại.
Ngày nay mọi thứ dễ dàng quy đổi ra ra tiền, mà nhiều ngôn ngữ thiếu tôn trọng sẽ gọi là quy đổi ra thóc, khiến người ta cảm giác tình thầy trò chỉ sặc mùi kinh tế. Phụ huynh thì nói giáo viên thực dụng. Nhưng không phải thầy cô nào cũng thế. Quan trọng là trong mỗi gia đình, cha mẹ đã giáo dục con mình biết ơn như thế nào.
Đến tuần lễ, phụ huynh nườm nượp quà cáp, phong bì gói ghém, xếp hàng đứng ở cửa lớp hoặc cửa nhà cô. Nhiều người còn đưa con cái cùng đến chúc mừng cô cùng món quà là chiếc phong bì lót tay. Vô tình những đứa trẻ nhìn thấy cha mẹ biếu thầy cô tiền, là sẽ suy nghĩ được đặc ân nghịch ngợm, được đặc ân không cần phải học cũng có điểm cao.
Nhiều thầy cô không nỡ bất lịch sự trả lại trước mặt mà âm thầm gửi lại sau đó. Và họ vẫn đứng lên bục giảng không bận tâm chiếc phong bì trong đó bao nhiêu tiền, nặng hay nhẹ.
“Nhiều phụ huynh lớn tiếng phê phán chuyện đi phong bì cho thầy cô giữa tập thể, phê phán chuyện đút lót, hối lộ hòng đổi điểm số, thành tích. Vậy mà chính họ lại lén lút chuẩn bị hộp quà thật lớn, phong bì thật nặng đến nhà và luôn miệng “gửi gắm” con cái cho thầy cô. Rồi khi vừa dắt xe ra khỏi cổng, lời chúc tụng chưa kịp bay theo gió đã vội tặc lưỡi, bĩu môi và thêu dệt những câu chuyện không hay về giáo viên” - TS Nguyễn Tùng Lâm lý giải.
Trong một chương trình thay lời tri ân của ngành giáo dục diễn ra mấy năm trước, hàng nghìn học sinh đã phải khóc trước câu chuyện của thầy Hiệu trưởng Phạm Quốc Tuấn - trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đắk Roong (Kbang, Gia Lai). Công tác ở một ngôi trường học sinh “ba không”: Không biết tiếng Việt, không giấy khai sinh, không hộ khẩu nên thầy và các đồng nghiệp phải lo hết cho học trò của mình.
Có hôm, các thầy, cô phải đi vận động học sinh, đưa đón các em đến trường từ sáng cho đến 10 giờ đêm. Hay như cô Lỳ Hà Xó thuộc Sở GD&ĐT Lai Châu. Cô đã nhiều năm dạy ở bản Nậm Nghẹ, Pa Cheo, Pa Mu… Đây đều là các điểm trường cách xa trung tâm xã Hua Bum (Nậm Nhùn, Lai Châu) hàng chục cây số đường rừng.
Câu chuyện về tình thầy, trò giữa thầy Đặng Văn Cương - trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sơn Ba (Sơn Hà, Quảng Ngãi) với em Đinh Văn K’Rể cũng khiến nhiều người rưng rưng nước mắt. Đinh Văn K’Rể mắc chứng bệnh hiếm gặp - Seckel (người lùn, đầu chim). Mặc dù em đã 9 tuổi nhưng chỉ cao 58cm, nặng 3,9kg.
Chuyện đến trường của em như một điều không tưởng nhưng đã trở thành hiện thực nhờ nỗ lực của thầy Đặng Văn Cương - thầy đã nhận đỡ đầu em Đinh Văn K’Rể. Và không chỉ ở vùng xa, vùng gặp khó mới có những câu chuyện tình thầy trò cao cả như thế.
Ở thành thị, rất nhiều thầy cô vẫn đùm bọc, yêu thương học trò như con mình. Họ cùng nhịp bước với trẻ khi biết chúng có tâm tư khó nói, biết hoàn cảnh đặc biệt khi cha mẹ chúng ly hôn… Và cô giáo thành thị cũng chảy nước mắt khi ngày 20/11, nhận được những đóa hoa, những bài hát từ đám học trò nghịch ngợm mất công tập luyện cả tuần để tặng cô nhân ngày 20/11; chứ họ không khóc cho chiếc phong bì được tặng.
Và như vậy, học cách biết ơn, học cách sống, luôn là bài học vỡ lòng đi theo mỗi chúng ta đến suốt cuộc đời.