Đẩy lùi “nạn đói tiềm ẩn”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng không thể thiếu được. Dù đã được cải thiện, nhưng tình trạng trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn rất đáng báo động.

Bổ sung vi chất bằng đường uống và sử dụng thực phẩm là biện pháp quan trọng giúp trẻ phát triển thể chất và trí tuệ.

Thiếu vi chất - rất nguy hiểm

Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, ước tính tại Việt Nam có đến 1/3 số trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu và 2/3 thiếu kẽm, gần 1 triệu trẻ thiếu vitamin A tiền lâm sàng. Thiếu vi chất dinh dưỡng được gọi là “nạn đói tiềm ẩn” do khó phát hiện. Khi các triệu chứng biểu hiện rầm rộ thành bệnh đặc trưng như bệnh thiếu máu, khô mắt do thiếu vitamin A thì dễ phát hiện nhưng sự tăng trưởng và phát triển cả thể chất và trí tuệ đã bị ảnh hưởng trong thời gian dài.
Cho trẻ uống vitamin A trong lễ phát động Ngày Vi chất dinh dưỡng tại Hà Nội.	Ảnh: Hồng Hải
Cho trẻ uống vitamin A trong lễ phát động Ngày Vi chất dinh dưỡng tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Hải
Việc thiếu một số vi chất dinh dưỡng quan trọng như i-ốt, vitamin A, sắt, follate, kẽm, mặc dù rất khó phát hiện, song lại để lại những hậu quả to lớn. Thiếu vi chất dinh dưỡng có thể dẫn đến mù lòa, tổn thương não, thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, giảm năng suất lao động ở người trưởng thành. Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Thiếu sắt và i-ốt làm giảm chỉ số thông minh ở trẻ. Chính vì các hậu quả nghiêm trọng này, thiếu vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân làm giảm 11% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các quốc gia châu Á và châu Phi. Giải quyết được tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng trong cộng đồng sẽ làm tăng năng suất lao động dẫn tới tăng lương 5 - 50% và giúp 33% trẻ em có thể thoát nghèo khi trưởng thành.

Bổ sung bằng cách nào?

Nguyên nhân của tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng do khẩu phần ăn của người Việt không đáp ứng nhu cầu về các vitamin và chất khoáng. Vậy người dân cần làm gì để ngăn ngừa thiếu vi chất?

Trước hết, uống bổ sung vi chất dinh dưỡng là một giải pháp ngắn hạn quan trọng có thể giúp cải thiện được ngay tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Cần đưa trẻ đi uống vitamin A miễn phí theo chiến dịch hàng năm được tổ chức 2 đợt trên toàn quốc vào ngày 1 - 2/6 và 1 - 2/12. Bên cạnh đó, chủ động mua và sử dụng viên sắt, viên đa vi chất hoặc bột bổ sung đa vi chất theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Ngoài ra, người dân cần tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, trong đó các thực phẩm như muối, nước mắm, xì dầu, hạt nêm, dầu ăn được bổ sung i-ốt, sắt, kẽm, vitamin A. Đặc biệt, đa dạng hóa bữa ăn, sử dụng nhiều loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày là giải pháp tự nhiên nhất nhằm cung cấp đủ vi chất cho nhu cầu của cơ thể. Đây là giải pháp chiến lược dài hạn cần phấn đấu đạt được và duy trì bền vững.

Cụ thể, các thực phẩm chứa nhiều vitamin A bao gồm: Gan động vật, thịt, trứng và các sản phẩm từ động vật như sữa, kem, bơ… Các thức ăn thực vật chứa nhiều vitamin A là các loại củ có màu vàng, đỏ, các loại rau màu xanh sẫm và các loại dầu ăn. Còn thức ăn giàu kẽm bao gồm: Tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các loại hạt có dầu (hạnh nhân, điều, lạc). Ngoài ra, đậu xanh nảy mầm cũng là thực phẩm giàu kẽm và dễ hấp thu. Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm nên cố gắng cho bú mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò. Do đó, người mẹ cần ăn thức ăn nhiều kẽm để bổ sung đủ kẽm cho cả hai mẹ con.
Sáng 26/5, tại buổi họp báo về Ngày vi chất dinh dưỡng (1 - 2/6) do Viện Dinh dưỡng tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS Lê Bạch Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, Viện đã cấp 6.719.000 liều viên nang vitamin A cho chiến dịch năm nay. Bà Mai khuyến cáo, trẻ từ 6 - 36 tháng, bà mẹ sau đẻ trong vòng một tháng cần đi uống bổ sung vitamin A. Riêng 22 tỉnh khó khăn (nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao), đối tượng uống vitamin A liều cao còn được mở rộng đối với trẻ từ 37 - 60 tháng tuổi và hoạt động tẩy giun sẽ được triển khai cho trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi với số lượng 1.093.098 liều. (Hải Lý)