Đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hạ tầng thương mại

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, công tác quản lý, phát triển chợ được Hà Nội đặc biệt quan tâm, chỉ đạo nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cung ứng cho người dân. Tuy nhiên, ngoài một số chợ được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp, còn nhiều chợ cơ sở vật chất hạn chế.

Kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn  
Kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn  

Theo thống kê, toàn TP hiện có 455 chợ, trong đó có 15 chợ được phân hạng 1, 57 chợ hạng 2, 352 chợ hạng 3. Ngoài ra, còn có 6 chợ đang chờ đánh giá và 25 chợ không đủ điều kiện để phân hạng do thuộc diện di dời, giải tỏa hoặc thuộc quy hoạch phát triển đô thị…

Trong số các chợ được phân hạng của Hà Nội, có 2 chợ đầu mối là chợ Minh Khai và chợ phía Nam; cùng 3 chợ hoạt động có tính chất đầu mối gồm: Chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vĩ và chợ Long Biên. Nguồn hàng hóa thực phẩm lưu thông tại các khu chợ này trung bình mỗi ngày lên tới hàng chục tấn.

Đánh giá của cơ quan chức năng Hà Nội cho thấy, trong số 455 chợ trên địa bàn TP, có 102 chợ kiên cố, 225 chợ bán kiên cố và 128 chợ lán tạm. Hầu hết các chợ bán kiên cố và lán tạm chưa đáp ứng đầy đủ về văn minh thương mại, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ. Do được xây dựng lâu năm nên cơ sở vật chất đều xuống cấp nghiêm trọng…

Để bảo đảm hoạt động giao thương, Hà Nội đã quan tâm, bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để thực hiện cải tạo, nâng cấp hàng năm. Trong giai đoạn 2010 - 2015, TP đã triển khai xây dựng mới, xây dựng lại tổng số 72 chợ, với tổng mức đầu tư 2.388 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, Hà Nội tiếp tục bố trí khoảng 800 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa 80 chợ.

Mặc dù vậy, theo đánh giá việc kêu gọi đầu tư, nâng cấp các chợ từ nguồn xã hội hóa hiện rất hạn chế. Số lượng dự án thực hiện đấu thầu thành công còn ít. Cá biệt có một số chợ đã được UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư từ nhiều năm nay nhưng chậm triển khai.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để quản lý, phát triển hệ thống chợ, vừa qua, UBND TP đã phê duyệt đề án “Quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ giai đoạn 2022 - 2025”. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đề án là tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ theo quy hoạch. Bên cạnh đó là tiếp tục quản lý chặt chẽ điều kiện kinh doanh, đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm theo quy định. Đây được xem là lời giải cho việc nâng cao năng lực cung ứng thực phẩm an toàn cho Thủ đô trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần