Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc diễn ra hồi tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công bố "Chính sách hướng Nam mới” nhằm tăng cường quan hệ chiến lược giữa Seoul với các quốc gia thành viên ASEAN.
Theo nhà lãnh đạo Hàn Quốc, chiến lược “Chính sách hướng Nam mới” bao gồm các biện pháp mới và thiết thực, tập trung vào 7 lĩnh vực chính, trong đó có hợp tác y tế toàn diện. Tổng thống Moon Jae-in lưu ý thêm rằng chính sách này sẽ tạo điều kiện cho Hàn Quốc và ASEAN đi đầu trong việc mở ra kỷ nguyên hậu Covid-19 và xây dựng cộng đồng hòa bình và thịnh vượng lấy con người làm trung tâm nhanh hơn.
Trong khi đó, các nước ASEAN cũng đưa Hàn Quốc vào danh sách những đối tác quan trọng trong khu vực và mong muốn cùng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, xã hội…
Trong năm 2020, cuộc khủng hoảng Covid-19 gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những cường quốc kinh tế thế giới. Vì vậy, trong giai đoạn hậu Covid-19, việc đầu tiên mà ASEAN và Hàn Quốc nên làm là việc mở lại các đường bay thương mại, tạo điều kiện cho công dân tại các nước đã ổn định và kiểm soát được dịch bệnh được tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động xuất khẩu.
Trong lĩnh vực thương mại giữa ASEAN và Hàn Quốc, nhằm đảm bảo vừa duy trì giao thương ổn định vừa ngăn chặn lây nhiễm virus SARS-CoV-2, các DN và các tổ chức có thể trao đổi trực tuyến thay cho việc đàm phán trực tiếp. Bên cạnh đó, để giao thương thuận lợi và đúng thủ tục, các DN cần đưa ra các điều kiện rõ ràng, cam kết chặt chẽ nhằm tránh rủi ro trong việc hợp tác kinh tế.
Về xuất khẩu lao động, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo cho công nhân, hai bên có thể tổ chức các buổi học, tập huấn trực tuyến tại các nước sở tại, và khi đường bay được mở lại, những người này có thể sang làm việc tại các nước đã ký hợp đồng xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, các nước ASEAN và Hàn Quốc nên chia sẻ những kinh nghiệm thành công trong phòng chống dịch Covid-19. Hàn Quốc và ASEAN cũng cần thiết lập chung “kho dự trữ” vật tư y tế và chia sẻ dữ liệu về dịch bệnh.
Đặc biệt, công nghệ - thông tin được đánh giá là yếu tố quan trọng để giúp ASEAN và Hàn Quốc thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên. Vì vậy, hai bên nên ưu tiên hợp tác khoa học công nghệ - thông tin, kinh tế số, trong thời đại 4.0 và sắp tới là 5.0 thời kỳ hậu Covid-19. Hai bên có thể triển khai ngay lĩnh vực hợp tác khoa học - công nghệ bằng việc tổ chức các cuộc họp trực tuyến để thảo luận các kế hoạch cho giai đoạn hậu Covid-19.
Bên cạnh đó, lĩnh vực môi trường nói chung, vấn đề biến đổi khí hậu nói riêng cần được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới. Hàn Quốc và ASEAN cũng cần quan tâm nhiều hơn đến việc thảo luận và áp dụng công nghệ vào giải quyết các vấn đề môi trường hậu Covid-19.
Cao Phương Thảo