Dấu ấn du lịch Thủ đô
Năm 2024 được xem là năm khởi sắc của du lịch Thủ đô ở cả góc độ quảng bá, tuyên truyền và xây dựng sản phẩm mới qua đó thu hút du khách chọn Hà Nội làm điểm đến.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2024, du lịch Thủ đô đã đón được 27,86 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với năm 2023, trong đó có 6,35 triệu lượt khách quốc tế, tăng 34,4% so với năm 2023 và 21,51 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023; Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 62%; tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng khách tăng cao kéo theo tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 110,52 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2023.
Dấu ấn nổi bật của du lịch Thủ đô trong năm 2024 là việc liên tiếp được vinh danh trong nhiều giải thưởng uy tín quốc tế cũng như được truyền thông thế giới đánh giá cao. Điển hình như được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (Word Travel Awards) trao Giải thưởng: “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam 2024”; “Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu thế giới 2024”; “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Châu Á năm 2024”; “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á 2024”.
Không chỉ nổi bật về điểm đến, lĩnh vực ẩm thực Hà Nội cũng là điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới khi được Tổ chức World Culinary Awards trao Giải thưởng: “Thành phố ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2024”; “Thành phố ẩm thực hàng đầu châu Á năm 2024”. Đặc biệt, TP Hà Nội được độc giả trên nền tảng du lịch lớn nhất thế giới Tripadvisor bình chọn “Điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới 2024”.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, việc được vinh danh với nhiều giải thưởng quốc tế, Hà Nội đã khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch trong nước, khu vực và quốc tế. Công tác xây dựng sản phẩm mới cũng đã mang lại hiệu quả trong việc thu hút khách, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.
Hà Nội đã xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm kết nối giữa nội thành và ngoại thành như tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội” gắn với hành trình tìm hiểu, trải nghiệm các hoạt động của làng nghề, văn hóa bản địa.
Đẩy nhanh tốc độ phục hồi và tăng trưởng
Với đà tăng trưởng của năm 2024, ngành Du lịch Hà Nội đặt ra mục tiêu năm 2025 thu hút được trên 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với năm 2024, trong đó thu hút trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế tăng 27,3% so với năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1% so với năm 2024, công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt trên 60%.
Để đạt mục tiêu đón 7 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành du lịch TP Hà Nội năm 2025, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội Đặng Lê Trung Hiếu đề xuất: thời gian tới du lịch Hà Nội nên đẩy mạnh liên kết hợp tác với các tỉnh thành từ đó xây dựng những tour liên vùng khai thác tiềm năng thế mạnh về văn hóa, lịch sử, sinh thái, du lịch nông thôn của Thủ đô. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi du lịch Hà Nội tạo điều kiện để doanh nghiệp du lịch Hà Nội và các địa phương kết nối, chia sẻ nguồn lực hợp tác cùng phát triển.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Trần Hữu Bình “hiến kế”, thời gian tới du lịch Thủ đô nên đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối với các làng nghề như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc xây dựng tour trải nghiệm nghề, học hỏi nghệ thuật truyền thống.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ An Phong cho rằng, để du lịch Hà Nội phát triển đột phá hơn, Hà Nội cần làm mới các sản phẩm theo hướng phù hợp với những thị trường truyền thống cũng như thị trườngdự kiến khai thác. Đồng thời cần tiếp tục tăng cường liên kết vùng để tạo những tour, tuyến du lịch hấp dẫn. “Thủ đô Hà Nội cần đi đầu trong du lịch MICE, du lịch ẩm thực, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh…” - ông Phong gợi ý.
Trước những hiến kế của doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý, Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang chia sẻ, thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung vào những thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ và từng bước khai thác hiệu quả các thị trường mới, tiềm năng như Ấn Độ, các quốc gia Halal (theo đạo Hồi), Nam Mỹ, Australia…
Để làm được điều đó, Hà Nội sẽ tập trung các nguồn lực phát triển và hình thành các nhóm sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, hấp dẫn như du lịch sông Hồng, sông Đuống qua đó kết nối các điểm đến du lịch dọc 2 bên bờ sông. Hoàn thiện tuyến du lịch đường sông Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đổng Tử, tiến tới mở rộng tuyến du lịch từ bến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì.
Đồng thời tập trung các nguồn lực phát triển du lich nông nghiệp, nông thôn theo hướng nông nghiệp chất lượng cao qua đó nâng cao trải nghiệm của khách du lịch. Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã phát triển các hoạt động du lịch tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; hồ Thiền Quang - Công viên Thống Nhất, tuyến đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây... phát triển thêm 1-2 khu vực phố đi bộ gắn các tuyến phố ẩm thực, biểu diễn văn hóa theo chủ đề.
“Thông qua những hoạt động này du lịch Thủ đô tiếp tục “tăng tốc” phát triển từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội” - bà Giang nêu rõ.