Đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu số: Ngành thuế hướng tới “một lần khai – nhiều lần dùng”
Kinhtedothi - Tăng cường số hóa, tự động hóa quy trình và tái sử dụng thông tin, dữ liệu thuế đã được số hoá được xem là giải pháp đột phá trong kế hoạch cải cách thủ tục hành chính thuế giai đoạn 2025 - 2026.
Số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến tăng đều
Thông tin từ Cục Thuế, số lượng hồ sơ TTHC ngành thuế tiếp nhận hàng năm duy trì ở mức rất lớn. Điều này cho thấy nhu cầu thực hiện thủ tục của người dân và DN ngày càng tăng. Đồng thời, tỷ lệ tiếp nhận qua hình thức điện tử có xu hướng tăng rõ rệt, thể hiện hiệu quả của quá trình chuyển đổi số và cải cách TTHC thuế.

Số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến thuế tăng đều thời gian qua
Cụ thể, số lượng hồ sơ tiếp nhận tăng từ 22,8 triệu năm 2022 lên hơn 25,5 triệu năm 2024. Trong đó, số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến tăng đều. Riêng năm 2024, hồ sơ tiếp nhận mới trong kỳ bằng hình thức trực tuyến chiếm 87,9%, hồ sơ tiếp nhận trực tiếp, bưu chính là 11,9%, cho thấy người dân, DN đã chuyển dịch mạnh mẽ sang thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Đặc biệt, đối với một số nhóm TTHC chiếm tần suất cao như đăng ký thuế, hoàn thuế, khai thuế thì tỷ lệ điện tử chiếm hơn 99%.
Số hồ sơ tiếp nhận qua hình thức trực tiếp hoặc bưu chính giảm dần qua các năm (năm 2022 là 5.317.294 hồ sơ xuống còn 3.069.289 hồ sơ năm 2024). Con số này thể hiện hiệu quả cải cách, giảm tải áp lực giải quyết TTHC không chỉ đối với người dân, DN mà còn với cả cơ quan giải quyết TTHC và cả bộ máy hành chính công.
Thời gian qua, Cục Thuế đã tiến hành rà soát toàn diện 219 TTHC thuế và dự kiến đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thuế. Trong đó, chủ trọng vào nhiều giải pháp. Đó là cắt giảm, đơn giản hóa TTHC dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, tái sử dụng thông tin, dữ liệu đã được số hóa. Tập trung nâng cấp 100% các TTHC thuế đủ điều kiện lên mức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tích hợp với Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính để đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia; liên thông với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành và liên thông điện tử.
5 nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế
Tại Hội thảo lấy ý kiến về phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC mới đây, nhiều đề xuất và kinh nghiệm quốc tế đã được chia sẻ, trong đó nhấn mạnh giải pháp tạo dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại, dựa trên nền tảng số và khai thác hiệu quả dữ liệu đã được số hóa. Theo các đại biểu, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cải cách TTHC thuế là xu thế toàn cầu.
Một trong những điểm nhấn quan trọng tại hội thảo là đề xuất triển khai mô hình “một lần khai – nhiều lần sử dụng thông tin” nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người nộp thuế và giảm tối đa thủ tục lặp lại. Theo lãnh đạo Cục Thuế, đây là xu hướng tất yếu trong cải cách TTHC hiện đại, tạo thuận lợi cho người dân, DN và giảm áp lực cho cơ quan quản lý.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay một số chỉ tiêu nghiệp vụ trong lĩnh vực thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận còn khó khăn, chưa được chính xác. “Mong rằng, trong thời gian tới, cơ quan thuế tiếp tục có những hướng cải cách tốt hơn không chỉ phục vụ doanh nghiệp lớn mà cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận chính sách tuân thủ tốt hơn nữa TTHC thuế”- ông Tuấn thông tin.
Năm 2025, Cục Thuế đặt mục tiêu năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ngay TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các TTHC, 30% chi phí tuân thủ TTHC. Mục tiêu này với năm 2026 là cắt giảm 50% thời gian giải quyết TTHC, 50% chi phí tuân thủ TTHC so với năm 2024; 100% chế độ báo cáo của doanh nghiệp được thực hiện điện tử; 100% TTHC đủ điều kiện được thực hiện trực tuyến toàn trình.
Phó Cục trưởng Cục Thuế Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh, kế hoạch cải cách TTHC thuế giai đoạn tới sẽ được triển khai đồng bộ, quyết liệt và thực chất. Trong đó, 5 nhóm giải pháp trọng tâm được định hình.
Một là, tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện các TTHC hiện hành trong lĩnh vực thuế để xác định các TTHC có thể cắt giảm, đơn giản hóa về thành phần hồ sơ, quy trình xử lý, thời gian giải quyết.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa và tự động hóa quy trình giải quyết TTHC, nâng cao tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tăng cường liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong và ngoài ngành Thuế.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa cơ quan thuế và các cơ quan liên quan, nhất là trong các thủ tục liên thông, thủ tục cần xác minh, xác nhận thông tin … để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ.
Bốn là, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan nhằm thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và đáp ứng yêu cầu cải cách.
Năm là, tổ chức truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế trong việc tiếp cận và thực hiện các TTHC sau khi được đơn giản hóa; tăng cường khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của người dân và DN để tiếp tục hoàn thiện.
Theo các chuyên gia, cải cách thủ tục hành chính thuế là xu thế toàn cầu. Nhiều quốc gia phát triển như Estonia, Hàn Quốc, Singapore đã ứng dụng mạnh mẽ dữ liệu số và tự động hóa để cung cấp dịch vụ thuế nhanh chóng, minh bạch, hạn chế tối đa sự can thiệp thủ công của con người.

Chứng khoán châu Á khởi sắc trước thay đổi chính sách thuế quan Mỹ
Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc trong phiên đầu tuần, khi nhà đầu tư kỳ vọng dấu hiệu hạ nhiệt trong chính sách thuế quan của Mỹ, mở ra dư địa cho các cuộc đối thoại thương mại và góp phần làm dịu bớt làn sóng lo ngại về rủi ro kinh tế vĩ mô.

Kỳ vọng vào thuế quan mềm mỏng hơn, S&P 500 tăng 3 phiên liên tiếp
Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tiếp tục đi lên trong bối cảnh giới đầu tư đã có kỳ vọng lớn hơn vào lập trường chính sách thương mại linh hoạt hơn từ chính quyền Tổng thống Donald Trump vào tuần tới.