Đẩy mạnh thỏa ước, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Công tác đại diện, bảo vệ, đặc biệt là công tác tham gia đối thoại, thương lượng tập thể của tổ chức Công đoàn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Từ đó, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ tại doanh nghiệp; giữ ổn định việc làm, tiền lương, thu nhập.

Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thị Thanh Hà phát biểu tại diễn đàn
Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thị Thanh Hà phát biểu tại diễn đàn

Nhiều kết quả nổi bật trong thương lượng tập thể 

Trong khuôn khổ các hoạt động Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, chiều 30/11 Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Diễn đàn thảo luận với chủ đề: "Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc".

Phát biểu tại diễn đàn, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thị Thanh Hà, cho biết: Nhiệm kỳ 2018-2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, sự trách nhiệm, vào cuộc cả hệ thống Công đoàn, công tác đại diện, bảo vệ, đặc biệt là công tác tham gia đối thoại, thương lượng tập thể của tổ chức Công đoàn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Việc phối hợp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc tiếp tục có chuyển biến tích cực với 98,8% doanh nghiệp Nhà nước và 64,93% doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tổ chức hội nghị người lao động cùng các hình thức dân chủ khác theo quy định của pháp luật; 99,07% doanh nghiệp Nhà nước và 67,96% doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có tổ chức Công đoàn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.

Quang cảnh diễn đàn chuyên đề số 1: “Đổi mới công tác tập hợp, vận động người lao động vào tổ chức công đoàn; nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở”; 
Quang cảnh diễn đàn chuyên đề số 1: “Đổi mới công tác tập hợp, vận động người lao động vào tổ chức công đoàn; nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở”; 

Cùng với đó, hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể-nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước được chú trọng, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng: Đã ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 72,12% (tăng 6,47% so với đầu nhiệm kỳ); đã ký kết 22 bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp; 3 thỏa ước lao động tập thể ngành, mang lại lợi ích cao hơn luật cho hơn 7 triệu lao động. Những kết quả trên đã góp phần quan trọng trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Giữ ổn định việc làm, tiền lương, thu nhập, đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động.

Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục phát triển nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức của sự thay đổi lớn về quan hệ lao động, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đặt chỉ tiêu “Ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật”; dự kiến xây dựng khâu đột phá “Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động”.

Quang cảnh diễn đàn chuyên đề số 8: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh. Xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Quang cảnh diễn đàn chuyên đề số 8: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh. Xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Phong trào thi đua có nhiều đổi mới

Cũng trong ngày 30/11, tại diễn đàn "Đổi mới công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức, lao động" (CNVCLĐ), Phó Chánh Văn phòng Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Văn Toản cho biết: Trong 5 năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức - nhất là do ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, các cấp công đoàn đã chủ động thích ứng, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động công đoàn trong bối cảnh dịch bệnh để có rất nhiều đổi mới về phương thức chỉ đạo, cách thức triển khai công tác thi đua, khen thưởng.

Tại diễn đàn này, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đổi mới nội dung, hình thức nhằm nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ gắn với sự phát triển của khoa học công nghệ. Đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ khu vực doanh nghiệp; đề xuất các phương án củng cố, kiện toàn, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng các cấp công đoàn…

Nhằm phát huy sự tập trung, trí tuệ của đại biểu, chiều 30/11 Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức đồng thời 10 diễn đàn thảo luận chuyên đề trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam tại các Bộ, tập đoàn, tổng công ty lớn trên địa bàn Hà Nội. Các đại biểu dự Đại hội đều tham gia thảo luận tại các diễn đàn và đề xuất sáng kiến để giải quyết vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức Công đoàn trong tình hình mới. Tại diễn đàn còn có sự tham dự, trao đổi của các chuyên gia, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành thuộc các lĩnh vực, chuyên đề thảo luận…

Các diễn đàn có Chủ đề thảo luận như: “Đổi mới công tác tập hợp, vận động người lao động vào tổ chức công đoàn; nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở”; “Đổi mới công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ”; “Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc”; “Nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức công đoàn đảm bảo quyền lợi của người lao động”; “Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn”; “Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động công đoàn”; “Các giải pháp nắm chắc tình hình công nhân, ổn định quan hệ lao động, đảm bảo an ninh trong công nhân”.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra từ ngày 1-3/12/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP Hà Nội với sự tham gia của 1.100 đại biểu chính thức đại diện cho khu vực hành chính; khu vực sản xuất kinh doanh; cán bộ công đoàn chuyên trách; đại biểu là cán bộ công đoàn không chuyên trách và lao động sản xuất trực tiếp.