Đẩy mạnh thoái vốn, chấm dứt đầu tư dàn trải

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu (TCC) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011 - 2015, đến thời điểm này, các tập đoàn, tổng công ty (TÐ, TCT), công ty trực thuộc Bộ Công Thương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án TCC.

Tuy nhiên, quá trình này cũng đang gặp không ít vướng mắc, đòi hỏi sự chung tay tích cực tháo gỡ...

Tập trung vào ngành nghề chính

Theo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương), hiện 100% TĐ, TCT 100% vốn NN thuộc Bộ đã hoàn thành đề án TCC giai đoạn 2013 - 2015. Sau khi rà soát lại các nhiệm vụ kinh doanh, hầu hết các đơn vị đã thoái vốn tại các ngành nghề bất động sản (BĐS), ngân hàng, tài chính, chứng khoán… để tập trung kinh doanh những ngành chính, những ngành liên quan phục vụ ngành chính.

 Là TĐ kinh tế NN đầu tiên thực hiện cổ phần hóa (CPH), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã hoàn thành thoái vốn ở 7 đơn vị với tổng số tiền 204,1 tỷ đồng, hiện đang chỉ đạo thoái vốn tiếp tại một số lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, tài chính để lành mạnh hóa và minh bạch tài sản khi chuyển sang hoạt động theo mô hình CP. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là TĐ kinh tế đầu tiên của Bộ được phê duyệt đề án TCC, theo đó không có đơn vị thuộc diện CPH. Đến nay, TĐ đã hoàn thành chuyển nhượng 1 triệu CP tại Công ty CP Bảo hiểm Toàn cầu từ EVN sang Công ty International ERGO, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 22,5% xuống còn 20%. Với các đối tác khác như ngân hàng, DN BĐS… dù việc thoái vốn gặp nhiều khó khăn, EVN cam kết sẽ thực hiện đúng lộ trình.

 
Ngân hàng CP Đại chúng được sáp nhập từ Tổng Công ty Tài chính CP dầu khí  với Ngân hàng Phương Tây năm 2013. Ảnh: Trần Việt
Ngân hàng CP Đại chúng được sáp nhập từ Tổng Công ty Tài chính CP dầu khí với Ngân hàng Phương Tây năm 2013. Ảnh: Trần Việt
Với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN), Chủ tịch HĐTV Phùng Đình Thực cho biết: Sau khi thực hiện TCC, hiện PVN còn giữ 1 TCT 100% vốn NN hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi là thăm dò, khai thác dầu khí, 24 DN cấp 2, 126 DN cấp 3 và không có DN cấp 4. PVN cũng vừa sáp nhập TCT Tài chính CP dầu khí với Ngân hàng Phương Tây để thành lập Ngân hàng CP Đại chúng (PVcom Bank), CPH hầu hết TCT trực thuộc.

Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam đã chuyển đổi 6 công ty TNHH MTV sản xuất than thành chi nhánh của TĐ, chỉ đạo việc chuyển đổi, sắp xếp lại các đơn vị khác. Đồng thời, TĐ cũng thoái vốn hoàn toàn khỏi TCT CP Bảo hiểm SHB - Vinacomin, Công ty CP Phát triển đường cao tốc BIDV, Công ty CP Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Công ty CP Bảo hiểm hàng không theo nguyên tắc bảo toàn vốn NN và có thặng dư.

Chấm dứt tâm lý “sợ thất thoát vốn Nhà nước”

Sau hơn 1 năm thực hiện, dù đã đạt những kết quả bước đầu, việc thực hiện TCC các DN thuộc ngành công thương cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân được giới chuyên gia lý giải là thị trường chứng khoán ảm đạm, khủng hoảng kinh tế trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, BĐS… nên việc thoái vốn của DN đã đầu tư vào các lĩnh vực này chưa đạt kết quả mong đợi. Mặt khác, quy định "việc thoái vốn đầu tư của các công ty NN không được thấp hơn giá trị sổ sách", hoặc "đối với những công ty CP chưa niêm yết, việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên phải thực hiện đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán"... gây tâm lý chần chừ, sợ thất thoát vốn NN, sợ trách nhiệm, ảnh hưởng không ít đến quá trình giảm, thoái vốn của DN.

Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu, tới đây, các TĐ, TCT đẩy mạnh rà soát ngành nghề kinh doanh và kiên quyết thực hiện đúng nội dung được phê duyệt trong từng đề án. "Theo đúng lộ trình Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2015, Bộ Công Thương sẽ kiên quyết chỉ đạo các TĐ, TCT đẩy mạnh thoái vốn, chấm dứt đầu tư dàn trải" - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp tổ chức thực hiện đề án, trong đó tập trung rà soát, cơ cấu lại các DN hoạt động trong lĩnh vực công thương theo định hướng tiêu chí ngành, lĩnh vực SXKD; đề xuất phương án tổ chức lại DNNN trực thuộc theo hướng chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không phân tán nguồn lực.
Đến thời điểm này, Bộ Công Thương còn quản lý 30 DN, trong đó có 5 TĐ kinh tế 100% vốn NN, 1 TĐ CP, 5 TCT 100% vốn NN, 5 TCT CP và 9 công ty CP. Trong năm 2013, Bộ đã bàn giao hai công ty CP về TCT Ðầu tư & kinh doanh vốn NN quản lý, và chuyển 2 công ty TNHH MTV thành công ty CP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần