Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bài, ảnh: Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù năm 2019 là năm đạt kỷ lục về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, nhưng thống kê cho thấy, hiện cả nước còn khoảng 30 triệu người chưa tham gia BHXH. Đây chính là cơ hội để ngành BHXH tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cũng như BHXH tự nguyện.

Nhiều biện pháp phát triển BHXH tự nguyện
Năm 2017, có 224.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng hơn 20,3 nghìn người so với năm 2016 (tương ứng tăng 10%). Sau khi có Nghị quyết số 28-NQ/TW, số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2018 đã đạt trên 277.000, tăng hơn 52,9 nghìn người, (tăng 23,6% so với năm 2017).
Năm 2019, cả nước có 15,8 triệu người tham gia BHXH, chiếm 32,2% lực lượng lao động trong độ tuổi, riêng số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 574.000 người, (chiếm 1,2% lực lượng lao động trong độ tuổi), tăng gần 300.000 người so với 2018. Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới năm 2019 bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước.
Đẩy mạnh thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, những năm qua, công tác truyền thông về BHXH tự nguyện đã được tăng cường để nhiều người dân nhận biết về giá trị, lợi ích của loại hình BH này. Bên cạnh đó, từ năm 2018, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia dựa trên mức chuẩn nghèo nông thôn theo các mốc: 30% với người nghèo, 25% với người cận nghèo và 10% với đối tượng khác. Sự hỗ trợ này đã góp phần tăng thêm tính hấp dẫn đối với người dân. Ngoài ra, tùy theo mỗi địa phương cũng có mức hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện. Nhờ vậy, con số gia tăng người tham gia BHXH tự nguyện năm 2019 đã tăng rất lớn.
Phấn đấu tăng thêm ít nhất 300.000 người tham gia 
Năm 2020, BHXH Việt Nam đặt mục tiêu tăng thêm ít nhất 300.000 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia lên ít nhất 800.000 người. Tuy nhiên, do khó khăn của đại dịch Covid-19, trong 4 tháng đầu năm 2020, số người tham gia hình thức BH này đã giảm 16.000 người so với năm 2019. Điều này dẫn tới những thách thức không nhỏ trong bảo đảm các mục tiêu về phát triển đối tượng BHXH tự nguyện trong năm 2020.
Trong thời gian tới, ngành sẽ mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện; phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến từng người dân… Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính; đa dạng các hình thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người tham gia BHXH tự nguyện...
Về chính sách, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm; nâng mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện phù hợp khả năng của NSNN; thực hiện thí điểm gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt đáp ứng nhu cầu của người dân…

Các mức đóng BHXH tự nguyện

Theo Nghị định 134/2015 quy định từ năm 2016, có nhiều mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức đóng thấp bằng 22% mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Ví dụ, mức đóng thấp nhất hiện nay là 700.000 đồng x 22% = 154.000 đồng/tháng và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Hình thức đóng có định kỳ 3 tháng, sáu tháng hoặc 12 tháng và đóng một lần không quá 5 năm.