Báo cáo của BCĐ cho thấy, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng háng hóa trong dịch Covid-19, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng và triển khai 3 phương án cung ứng hàng hóa, đảm bảo dự trữ tối thiểu trong 3 tháng của quý II/2020 với tổng trị giá hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (lượng hàng hóa tăng từ 3-5 lần so với tháng thường). Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp mở mới 74 địa điểm kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu về thực phẩm của người dân.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Trưởng BCĐ Nguyễn Lan Hương cho biết, từ nay đến cuối năm, Cuộc vận động sẽ triển khai theo hướng thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa hồi phục và phát triển kinh tế, vừa tiếp tục phòng dịch Covid-19.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động, thời gian tới, các đơn vị thành viên và BCĐ các quận, huyện, thị xã chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, đồng thời lên án, đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Đồng thời các sở, ngành, BCĐ các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai chương trình kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP Hà Nội năm 2020; rà soát, triển khai chương trình kết nối giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài vào các thời điểm phù hợp. Tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trên địa bàn TP; thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
Triển khai chương trình bình chọn ”Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2020, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đối tượng được bình chọn gồm 12 nhóm ngành hàng: Ngành hàng tiêu dùng; sản phẩm công nghiệp; xây dựng, trang trí nội thất; dược phẩm, hóa mỹ phẩm; giáo dục - đào tạo; thủ công mỹ nghệ; hàng nông sản thực phẩm; các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm); dịch vụ ngân hàng; du lịch, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng; truyền thông, viễn thông, công nghệ thông tin; vận chuyển của các doanh nghiệp, hợp tác xã (bao gồm cả sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có xuất xứ tại Việt Nam)… các tỉnh, TP trên cả nước.
Chương trình ưu tiên các sản phẩm của doanh nghiệp có đề tài, sáng kiến được TP công nhận hoặc sáng chế, giải pháp hữu ích được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng; được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP… Bên cạnh đó, sản phẩm tham gia phải đạt tiêu chuẩn chất lượng và được các cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO 22000…), sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý…