Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh việc chống thất thu và nợ đọng thuế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2012, mặc dù ngành thuế cả nước đã phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước đạt 104,5% so với dự toán, song theo đánh giá của lãnh đạo ngành tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 thì áp lực cho năm ngân sách mới trong điều kiện kinh tế trong nước khó khăn là hết sức nặng nề.

Nguồn thu tăng từ tài nguyên và khí

Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực vượt khó của ngành thuế trong việc phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhưng Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn không khỏi lo lắng. Thứ trưởng cho biết, mặc dù tổng số thu ngành thuế năm 2012 đạt hơn 104% dự toán nhưng thực tế, những khoản thu từ khu vực kinh tế đều chưa đạt kế hoạch đề ra và có số tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm 2011.

Lấy ví dụ từ 4 địa phương hụt chỉ tiêu lớn nhất là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc và Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Tài chính chỉ ra, Quảng Ninh có thế mạnh về than và vật liệu xây dựng, tuy nhiên năm 2012, bất động sản đóng băng, doanh số tiêu thụ vật liệu giảm, trong khi than cả nước tồn kho tới hơn 9 triệu tấn. Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến Quảng Ninh không đạt chỉ tiêu thu thuế trong năm qua. Hoặc Đà Nẵng, một trong những "đầu tàu" của nền kinh tế cũng chỉ đạt trên 80% dự toán, đây là năm đầu tiên không đạt sau 15 năm luôn hoàn thành chỉ tiêu quan trọng này…

Đẩy mạnh việc chống thất thu và nợ đọng thuế - Ảnh 1

Làm thủ tục kê khai thuế tại Chi cục Thuế Thanh Xuân, Hà Nội.  Ảnh: Ánh Tâm

Con số thống kê cho thấy, năm 2012, tổng số thu do ngành thuế quản lý ước đạt hơn 607.000 tỷ đồng; trong đó, số thu từ dầu thô đạt trên 14.000 tỷ đồng và thu nội địa hơn 467.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, thu nội địa chỉ bằng 94,6% so với dự toán, tăng 8,6% so với năm 2011. Tuy nhiên, khoản thu này nếu không kể tiền sử dụng đất chỉ đạt hơn 422.000 tỷ đồng, bằng 92,3% dự toán và mới có 37/63 địa phương hoàn thành nhiệm vụ về thuế. Trong khi đó, số thuế đã nộp của khu vực doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2012 chỉ đạt hơn 144.000 tỷ đồng, thấp hơn con số dự toán cả năm hơn 155.000 tỷ đồng (tỷ lệ 92,7%).

Năm 2013, bức tranh về thu ngân sách dự báo không có nhiều màu sáng, các DN trong ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản… vẫn rơi vào tình trạng "đóng băng", làm ăn không có lãi. Một số mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho ngân sách như: ô tô, xe máy, hàng điện tử...  sức mua cũng giảm rõ rệt. Việc thực hiện các chính sách thuế hỗ trợ cho DN cũng ảnh hưởng đến nguồn thu…

Chống thất thu để bù hụt thu

Năm 2013, chỉ tiêu thu ngân sách ngành thuế đặt ra tăng 19,9% so với năm 2012; trong đó, số thu nội địa sẽ khoảng hơn 545.000 tỷ đồng. Trước những nhận định và đánh giá còn nhiều khó khăn, giải pháp mà ngành thuế xem là cứu cánh cho mình là vừa tăng tốc vừa đổi mới toàn diện công tác chống thất thu và nợ đọng thuế. Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế Bùi Văn Nam khẳng định, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh rà soát, đánh giá lại các nguồn thu, nhất là các nguồn thu không ổn định, những khoản thu, sắc thuế còn thất thu. Tăng cường và mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách. Trong đó, chống chuyển giá sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Trong năm 2012, Tổng Cục Thuế đã tiến hành thanh, kiểm tra 55.850 DN, truy thu, truy hoàn và phạt trên 9.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2011... "Tới đây, ngành thuế sẽ tăng cường cưỡng chế nợ thuế và sẽ công khai các trường hợp cố tình dây dưa, nợ thuế lớn, thời gian nợ kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phấn đấu đến cuối năm 2013 đạt mức giới hạn cho phép dưới 5% tổng số thu ngân sách" - lãnh đạo Tổng Cục thuế nhấn mạnh.

Việc linh hoạt trong các cơ chế chính sách thuế nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, nuôi dưỡng nguồn thu, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cũng hết sức quan trọng. Theo hướng này, một mặt ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên tuyền phổ biến rộng rãi chế độ chính sách mới, mặt khác, ngành cũng sẽ đa dạng và hiện đại hoá các dịch vụ hỗ trợ; tối thiểu hoá các thủ tục hành chính, đảm bảo các tiền đề thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ với cơ quan thuế. Với  những giải pháp này, ngành thuế mong muốn tạo nên sức bật mới khi bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2013.

Hết năm 2012, ngành thuế đã thực hiện miễn, giảm, giãn thuế cho hàng trăm ngàn DN, hộ kinh doanh với số tiền khoảng 26.000 tỷ đồng, trong đó có 4.500 tỷ đồng gia hạn sang năm 2013, góp phần hỗ trợ về vốn cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và cải thiện đời sống.