Đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền
Chỉ thị số 30 - CT/TW, được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành vào ngày 21/1/2019. Tiếp đó, ngày 26/5/2020, Chính Phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ - CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện chỉ thị số 30-CT/TW. Nội dung của Chỉ thị 30 - CT/TW yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo báo cáo 3 năm triển khai Chị thị số 30-CT/TW của Ban Cán sự Bộ Công Thương, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có chuyển biến mạnh mẽ ở các cơ quan.
Cụ thể, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đưa vào nội dung giao ban tại cuộc họp của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam; xây dựng chuyên trang, chuyên mục về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Trong giai đoạn năm 2020 – 2021, đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, diễn biến khó lường, tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn tiến hành đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền.
Bên cạnh các hình thức truyền thống, Bộ đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tuyên truyền trên các nền tảng số như xây dựng các Youtube, các đoạn phim, các clip ngắn đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, các báo điện tử.
Sự kiện Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021 là sự kiện đầu tiên ứng dụng thành công và hiệu quả hình thức tuyên truyền trực tiếp và trực tuyến.
Trong năm 2023, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức giải chạy vì người tiêu dùng và hội chợ vì người tiêu dùng để phát động nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn"
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BTTT ngày 12/4/2021 ban hành kế hoạch triển khai Chương trình hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; chỉ đạo, quán triệt các cơ quan báo chí bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin, truyền thông để đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 82/NQ-CP…
Bộ GD&ĐT đã lồng ghép tuyên truyền kiến thức pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào các chương trình ngoại khóa, các môn tự chọn của học sinh sinh viên, nhân ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam nhiều địa phương cũng tổ chức giới thiệu kiến thức pháp luật cho học sinh.
UBND các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với sự ổn định, phát triển của địa phương cũng như ý nghĩa thiết thực với từng người dân và từng doanh nghiệp trên địa bàn.
Thực thi hiệu quả các quyền của người tiêu dùng
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng cần tăng cường hoạt động tuyên truyền tại các bộ chuyên ngành, cần đẩy mạnh việc nêu gương tốt, doanh nghiệp tốt vì người tiêu dùng, đồng thời nghiêm khắc xử lý những doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Báo cáo cho rằng các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tiêu dùng cho toàn xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để thực thi hiệu quả các quyền của người tiêu dùng, nhất là đối với đối tượng người tiêu dùng yếu thế (trẻ em, học sinh, sinh viên) bước đầu đã được Bộ Công Thương và một số địa phương triển khai.
Tuy vậy, các hoạt động này chưa được nhiều, chưa phủ sóng được các địa phương, cần sự nỗ lực hơn nữa của các bộ ngành và các địa phương đặc biệt mở rộng đối tượng đến người tiêu dùng là người già, phụ nữ, công nhân nghèo, khu vực nông thôn...).
Cũng theo báo cáo, việc công khai, minh bạch và thông tin rộng rãi, đầy đủ đến người tiêu dùng về chất lượng hàng hoá, dịch vụ và cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng đã được Bộ Công Thương và các bộ ngành, địa phương triển khai tuy nhiên vẫn còn chưa đầy đủ các vụ việc xảy ra trên thị trường, đôi khi chưa đa dạng các hình thức chuyển tải thông tin thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng thương mại điện tử.
Ngoài ra, báo cáo cũng nhìn nhận, việc nâng cao đạo đức kinh doanh và hình thành văn hoá tiêu dùng an toàn, văn minh, lành mạnh và phát triển bền vững đã được Bộ Công Thương thực hiện thông qua Bộ quy tắc hướng dẫn kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử và Đề án chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.