Đẩy mạnh “xã hội hóa” cơ sở đào tạo cấp giấy phép lái xe

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh, việc triển khai Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã có những biến chuyển rõ rệt.

KTĐT - Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh, việc triển khai Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã có những biến chuyển rõ rệt trong quần chúng.

Đẩy mạnh “xã hội hóa” cơ sở đào tạo cấp giấy phép lái xe để tránh tiêu cực là vấn đề chính được đưa ra để thảo luận tại Hội nghị triển khai Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và đăng kiểm xe cơ giới do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức vào ngày 28/11.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh, việc triển khai Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã có những biến chuyển rõ rệt trong quần chúng.

Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo cần phải tự hoàn thiện hơn nữa. Đặc biệt, công tác đào tạo, cấp phép lái xe phải nghiêm túc, minh bạch hơn. Có như vậy, Luật Giao thông đường bộ mới đi vào cuộc sống.

Bộ trưởng cũng thừa nhận cần thiết phải sớm xem xét những bất cập trong công tác đào tạo cấp giấy phép lái xe, và đồng tình với quan điểm đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở này để đạt hiệu quả trong đào tạo và tránh được những tiêu cực không đáng có.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam, thời gian qua, ngành giao thông đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe, tạo điều kiện cho người dân tham gia các lớp học về đào tạo, cấp bằng lái xe.

Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành 405 câu hỏi sát hạch lái xe, tập huấn, chuyển giao phần mềm lý thuyết mới, tổ chức thi chấm điểm tự động. Nhờ đó, từ ngày 1/1/2008 đến 30/9/2009, cả nước đã cấp mới được trên 3,4 triệu giấy phép lái xe môtô, 486.000 giấy phép lái xe ôtô. Đồng thời, Cục cũng đã tiến hành đào tạo, cấp bằng FC cho các lái xe semi rơmóc…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, công tác đào tạo, sát hạch lái xe tại nhiều trung tâm trong cả nước còn nhiều bất cập. Tại một số địa phương, công tác kiểm tra, thi cử còn chưa nghiêm túc. Có trường hợp thi hộ, thu thêm tiền của thí sinh…

Cụ thể, trong năm 2008, bộ đã có quyết định dừng tuyển sinh có thời hạn tại 4 cở sở đào tạo lái xe đã bị phát hiện có tiêu cực. Cũng trong năm 2008, Cục Đường bộ Việt Nam đã dừng tuyển sinh 1 cơ sở đào tại giấy phép lái xe ở Ninh Bình, dừng tuyển sinh đào tạo các hạng D, E của 2 cơ sở tại Hà Nội và Nghệ An…

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Tài chính cần nên xem xét kỹ vấn đề có nâng kinh phí đào tạo lái xe hay không, bởi khung giá đào tạo hiện nay đã cũ, nên chương trình đào tạo hết sức khó khăn, gây ra những tiêu cực trong hoạt động đào tạo, cấp giấy phép lái xe.

Đặc biệt, thời gian qua, giá xăng tăng cao đã ảnh hưởng lớn tới việc đào tạo cấp giấy phép lái xe.

Theo tính toán của đại diện Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe của Cục cảnh sát (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội), nếu tính theo “khung” giờ học của Luật hiện hành, mỗi thí sinh phải thực hành từ 80-100 giờ/người. Trong khi đó, tiền thuê xe và thầy là 150.000 đồng/giờ.

Như vậy, tính riêng tiền thực hành một khóa học, học sinh sẽ phải mất từ 12-15 triệu đồng và có thể coi đây là “chi phí phụ” nảy sinh.

Nếu thống nhất 1 khung giá cụ thể, trong đó bao gồm tất cả các loại chi phí, thì dù học phí có cao hơn trước, nhưng chắc chắn sẽ rẻ hơn nếu tính gộp cả những phần học sinh phải chịu như hiện nay./.