Đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thị trường
Cơ sở CNMT số 3 Hà Nội vừa phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức Hội nghị tư vấn, hướng nghiệp, học nghề, giới thiệu việc làm cho học viên trước khi tái hòa nhập cộng đồng năm 2022. Phó Giám đốc Cơ sở CNMT số 3 Hà Nội Ngô Văn Ất cho biết, hiện nay đơn vị đang cai nghiện và chữa trị cho gần 400 học viên.
Việc làm cho học viên sau khi hết thời gian CNMT luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cấp, ngành nói chung và Sở LĐTB&XH Hà Nội nói riêng. Chỉ có ổn định việc làm mới giúp học viên tái hòa nhập cộng đồng, ngăn ngừa tái nghiện và giảm tệ nạn xã hội. Vì thế, cũng như các đơn vị khác trong khối CNMT, Cơ sở CNMT số 3 Hà Nội đã định hướng nghề nghiệp, tư vấn tìm việc cho học viên trước khi tái hòa nhập cộng đồng.
Để học viên sau khi rời khỏi Cơ sở CNMT số 3 Hà Nội tìm được việc làm, có thu nhập thì trong thời gian điều trị cắt cơn, giải độc,… sẽ được rèn luyện sức khỏe thông qua nhiều hoạt động, trong đó có học nghề và làm nghề.
“Dựa trên kế hoạch chỉ tiêu cấp trên giao, đơn vị đã xây dựng kế hoạch khảo sát nhu cầu của các học viên có nguyện vọng, đăng ký học nghề gì. Các nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, giúp học viên khi trở về cộng đồng dễ tìm kiếm việc làm. Hiện nay, Cơ sở đang đào tạo cho học viên nghề may, cơ khí” – Phó Giám đốc Cơ sở CNMT số 3 Hà Nội Ngô Văn Ất cho hay.
Đối với các học viên, khi vừa được cai nghiện, điều trị lại được hỗ trợ đào tạo nghề thì hết sức phấn khởi với quyết tâm làm lại từ đầu, tránh xa ma túy.
Học viên Vũ Trường Phi đến từ Hà Nam đang CNMT bắt buộc ở Cơ sở CNMT số 3 được 17 tháng bộc bạch: “Bên cạnh việc được điều trị, lao động trị liệu hàng ngày, tôi còn được tư vấn học nghề, hướng nghiệp. Ở đây, tôi được học nghề may, cô giáo giảng bài dễ hiểu, học bài xong được thực hành ngay, rất sát thực. Tôi chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng nên rất muốn học một nghề để sau khi ra xã hội có công việc, thu nhập ổn định và khả năng tự nuôi sống bản thân. Đây cũng là cách rất hữu ích để tôi chống tái nghiện”.
Học nghề xong được tạo việc làm ngay tại xưởng
Những người đi CNMT bắt buộc có độ tuổi khác nhau, trình độ nhận thức không giống nhau, chính vì vậy lãnh đạo Cơ sở CNMT số 3 Hà Nội đã rất chú ý đến việc mời nhà trường và giáo viên tham gia dạy nghề.
Trưởng phòng Dạy nghề - Lao động sản xuất, Cơ sở CNMT số 3 Hà Nội Nguyễn Đức Hiếu cho biết: Cơ sở đã liên kết với trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội dạy nghề trong nhiều năm. Nhà trường đã cử những giáo viên từng đi thi tay nghề TP, quốc gia có kinh nghiệm, kỹ năng giảng dạy chuẩn dạy nghề cho học viên. Chương trình lý thuyết dễ hiểu, học viên học lý thuyết xong thực hành ngay tại xưởng dưới sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên nên nắm bắt nhanh, làm được ngay. Không chỉ vậy, khi học viên học nghề may, cơ khí khi trở về cộng đồng rất dễ xin việc vì các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn.
Cơ sở CNMT số 3 Hà Nội đã thực hiện phương châm gắn lý thuyết với thực hành, gắn lý thuyết học nghề với công việc đã ký kết với đối tác. Vì thế, những học viên sau khi trải qua khóa học nghề 3 tháng đều được bố trí làm việc.
“Học viên học xong nghề may được Cơ sở tổ chức xuống xưởng may gia công mặt hàng đơn giản; học viên học nghề hàn cũng được xuống xưởng làm việc. Cơ sở muốn tạo việc làm, giúp học viên cải thiện sức khỏe, thấy được giá trị của sức lao động và có thu nhập hàng tháng, giảm bớt gánh nặng gia đình” – Phó Giám đốc Cơ sở CNMT số 3 Hà Nội Ngô Văn Ất cho hay.
Tuy nhiên, để có thể làm sản phẩm thật theo đơn đặt hàng của khách, các học viên nghề cơ khí khi xuống xưởng tiếp tục học việc 2 tuần và sau đó thử việc 2 tuần. Nhận xét về khả năng làm việc của các học viên làm việc tại xưởng cơ khí, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và thương mại Tiên Phong Nguyễn Văn Hòa cho biết: Xưởng cơ khí trong Cơ sở CNMT số 3 Hà Nội có 35 học viên đều có thể đảm nhiệm vị trí tổ trưởng vì nhanh nhẹn, tay nghề cao.
Qua trao đổi, một số học viên CNMT cho biết, rất mong muốn khi tái hòa nhập cộng đồng sẽ tìm được việc làm nhưng băn khoăn về việc bị kỳ thị và chưa tin tưởng. Về việc này, Phó Giám đốc Cơ sở CNMT số 3 Hà Nội Ngô Văn Ất cho biết, lãnh đạo đơn vị rất mong muốn khi học viên đi cai nghiện trở về địa phương quản lý thì các cấp chính quyền, DN tạo điều kiện tuyển dụng để họ có công việc; gia đình quan tâm và động viên thì tránh được tái nghiện rất nhiều. Một điều quan trọng là người đã từng đi cai nghiện phải có động lực và ý chí quyết tâm rất cao mới dời bỏ được ma túy.