Dạy người trước, rồi mới dạy chữ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với giáo dục phổ thông, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn… là những nội dung được đề cập tại cuộc tọa đàm về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức cuối tuần qua.

Chú trọng “dạy người”

Đổi mới từ đâu, như thế nào là trăn trở của các trường phổ thông, trường ngoài công lập (NCL) có chuẩn đầu vào thấp. Song, đa số các nhà quản lý giáo dục đều cho rằng, cần đổi mới từ việc dạy người rồi mới đến dạy chữ. Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường THPT Marie Curie cho rằng, nói đến đổi mới căn bản toàn diện là "đụng" đến toàn bộ các vấn đề cốt lõi của giáo dục. "Hiện nay, nội dung chương trình, SGK còn nặng tính hàn lâm, vừa thừa vừa thiếu, áp đặt và ít quan tâm đến học sinh (HS). HS lớp 7 có 10 tiết về thơ Đường rất khó, liệu có cần thiết không? Ngoài ra, các hoạt động giáo dục khác như thể dục, giáo dục quốc phòng, an ninh, dạy nghề có thực sự mang lại hiệu quả? Đã từng có HS ngất khi học thể dục ở tiết 5. Mặc dù, tuổi trẻ thực chất rất ham mê thể thao, nhưng đến giờ học thể dục lại sợ. Vậy đổi mới là phải làm thế nào để HS không sợ môn thể dục. Chính Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng từng thừa nhận, môn thể dục của chúng ta phải xem lại, đặc biệt môn quốc phòng an ninh. Đây là môn cực kỳ quan trọng, nhưng cách dạy và học hiện nay mới chỉ mang tính hình thức. Ngay cả học nghề, hướng nghiệp cũng rất lãng phí" - ông Khang phân tích.
Giờ lên lớp của các học sinh trường Tiểu học Lý Thái Tổ.  Ảnh:  Thanh Tùng
Giờ lên lớp của các học sinh trường Tiểu học Lý Thái Tổ. Ảnh: Thanh Tùng
Đồng quan điểm trên, đại diện trường THPT Bình Minh - một trường khó khăn ở ngoại thành, cũng khẳng định, đón nhận tất cả HS kể cả HS có lực học yếu, kém. Nhưng tiêu chí trường đặt ra là HS phải tiến bộ 100%. Trường đưa ra tôn chỉ: Vì sự phát triển của từng trò, vì vậy điều đầu tiên phải "dỗ", sau mới đến "dạy". Khẩu hiệu mà trường đưa ra: Dạy cách sống, dạy cách học và dạy cách làm. 

Lo lắng chất lượng giáo viên

Để đạt được chất lượng giáo dục cao, nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên là một trong những yếu tố quyết định. Thế nên giáo viên phải được đào tạo bài bản ngay từ các trường sư phạm, ngoài ra cần quan tâm đến chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hòa - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, trường có 2.400 HS, 196 giáo viên. Trong đó, 45% giáo viên trên 40 tuổi, 55% dưới 40 tuổi, tỷ lệ giáo viên dưới 30 tuổi chiếm 25%. Lực lượng giáo viên trẻ sẽ là nòng cốt cho công cuộc đổi mới, song trở ngại là giáo viên từ 40 tuổi trở lên có sức ì lớn. Ngoài ra, giáo viên lâu nay dạy thường không quan tâm đến mục tiêu, vấn đề cơ bản của giáo dục, vấn đề của dạy người, những quan điểm giáo dục về dạy người, mà chỉ thường quan tâm đến SGK. Trong khi đó, sinh viên ra trường yếu kiến thức, kỹ năng... Nói chung đội ngũ giáo viên hiện nay là khó khăn chính trong việc thực hiện lộ trình đổi mới giáo dục, nếu không có giải pháp hữu hiệu để thực hiện việc này.

Tại buổi tọa đàm, đa số các ý kiến đều nhận định giáo viên là yếu tố quan trọng, do vậy, không chỉ quan tâm đồng lương cho giáo viên, mà còn cần để giáo viên được làm việc trong môi trường đủ điều kiện, được phát huy năng lực; Có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho họ, nhất là ở những trường NCL. Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng nhấn mạnh: HS có thể còn yếu, nhưng thầy nhất định phải giỏi. Không chỉ cần bằng cấp, mà tay nghề nhà giáo cũng phải đáp ứng yêu cầu đổi mới. Hiện năng lực thật của giáo viên để đáp ứng còn khó, cần phải có những chính sách đồng bộ từ đánh giá, đến tiền lương cho giáo viên.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần