Đẩy nhanh giải ngân vốn trái phiếu cho dự án giao thông

theo baogiaothong.vn
Chia sẻ Zalo

Bộ GTVT vừa yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA rốt ráo đẩy nhanh công tác giải ngân vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) các dự án giao thông.

Tính đến tháng 8/2017, kết quả giải ngân nguồn vốn này đạt tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 23% so với kế hoạch giao cả năm.
Giải ngân thấp do giao vốn muộn
Các dự án sử dụng vốn dư lần 2 từ các dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được giao 1.030 tỷ đồng, được Bộ KH&ĐT giao kế hoạch ngày 1/9/2017. Hiện nay, các chủ đầu tư, ban QLDA đang thực hiện các thủ tục đấu thầu nên chưa có khối lượng thanh toán, giải ngân. Các dự án sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 và các dự án QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên chủ yếu là các dự án đã hoàn thành và đang chờ quyết toán. Do đó, số vốn được giao dùng để chi trả quyết toán và bảo hành công trình nên chưa thể giải ngân ngay được.
 Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi do Ban QLDA đường Hồ Chí Minh làmđại diện chủ đầu tư mới giải ngân được 16,8 tỷ đồng/380,3 tỷ đồng vốn kế hoạch 2016 kéo dài
Ngoài các dự án vốn dư, thông tin từ Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) cho thấy, hiện nay, còn khoảng hơn 30 dự án tồn đọng giá trị kế hoạch giải ngân, chiếm tỷ trọng lớn trong kế hoạch vốn TPCP 2017 được giao, tập trung vào 3 nhóm dự án, gồm: Các dự án sử dụng vốn TPCP giai đoạn năm 2012 - 2015 được bổ sung kế hoạch giai đoạn năm 2014 - 2016; Các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; Các dự án sử dụng vốn dư từ các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Trong đó, phần lớn các dự án thuộc các chủ đầu tư, Ban QLDA: Đường Hồ Chí Minh, Ban QLDA6, Sở GTVT Ninh Bình, Ban QLDA Hàng hải, Ban QLDA 85…
Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó giám đốc Ban QLDA6 cho biết, năm 2017, đơn vị được phân bổ khoảng 300 tỷ đồng vốn TPCP cho 4 dự án: Tuyến tránh Chư Sê (35 tỷ đồng), dự án QL1 qua Quảng Trị (210 tỷ đồng), dự án QL1 qua Quảng Bình (40 tỷ đồng) và dự án QL25 (10 tỷ đồng). “Hiện, chúng tôi đã giải ngân được khoảng 160 tỷ đồng. Riêng dự án tuyến tránh Chư Sê mới được giao kế hoạch vốn từ ngày 1/9/2017 và dự án đang trong quá trình đấu thầu nên chưa thể thanh toán, giải ngân”, ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, còn lại khoảng 90 tỷ đồng, Ban QLDA 6 đang chờ quyết toán công trình và tiền đền bù nhà dân bị nứt trong quá trình thi công nằm ngoài phạm vi bảo hiểm công trình. Khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban QLDA 6 sẽ tiến hành chi trả đền bù, giải ngân ngay số tiền đó.
Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh) chia sẻ, đơn vị được giao 1.600 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2017 và 1.500 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2016 kéo dài. “Qua rà soát, năm 2017, chúng tôi dự kiến sẽ giải ngân được khoảng 82% kế hoạch vốn giao”, ông Tuấn nói và cho biết, kế hoạch vốn được giao muộn, khi có vốn lại bắt đầu vào mùa mưa, các nhà thầu thi công cầm chừng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kết quả giải ngân đạt tỷ lệ thấp.  
Theo thông tin của Báo Giao thông, năm 2017, Bộ GTVT được giao 11.768 tỷ đồng vốn TPCP, gồm: 6.298 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2017 và 5.470 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2016 kéo dài. Tuy nhiên, tính đến tháng 8/2017, kết quả giải ngân của các chủ đầu tư, Ban QLDA chỉ đạt 2.715 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch), gồm 1.889 tỷ đồng vốn kế hoạch 2017 (đạt 30%) và 825 tỷ đồng vốn kế hoạch kéo dài 2016 (đạt 15%).
Ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) cho biết, nguyên nhân dẫn tới kết quả giải ngân vốn TPCP trong 8 tháng đầu năm của Bộ GTVT đạt tỷ lệ thấp chủ yếu do kế hoạch giao vốn chậm. “Các dự án được giao vốn kế hoạch năm 2017 đều là các dự án sử dụng vốn dư lần 1 của QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được Bộ KH&ĐT giao vốn ngày 5/5/2017 và vốn kế hoạch 2016 kéo dài giao ngày 26/5/2017 nên tỷ lệ giải ngân mới đạt được 2.145 tỷ đồng/7.424 tỷ đồng, đạt khoảng 29%”, ông Lâm nói.
 
Phải giải ngân hết vốn kế hoạch 2016 kéo dài
Cũng theo ông Nguyễn Duy Lâm, qua kết quả báo cáo của các chủ đầu tư, ban QLDA cho thấy, khả năng giải ngân thực tế trong năm 2017 của các dự án giao thông sử dụng vốn TPCP chỉ đạt khoảng 9.676 tỷ đồng/11.768 tỷ đồng kế hoạch được giao, gồm: 4.572 tỷ đồng kế hoạch 2017 (đạt khoảng 73%) và 5.104 tỷ đồng kế hoạch 2016 kéo dài (đạt khoảng 93%). Số vốn còn lại phải kéo dài kế hoạch 2017 để thực hiện chi trong năm 2018 là 1.779 tỷ đồng, còn lại số vốn không còn nhu cầu sử dụng, phải trả lại là 313 tỷ đồng.
Mới đây nhất, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông vừa yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA phải xác định ưu tiên đặc biệt cho công tác giải ngân. “Kết quả giải ngân đạt thấp do nhiều nguyên nhân kế hoạch vốn giao chậm, các dự án sử dụng vốn dư nên thủ tục kéo dài. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một phần do các chủ đầu tư, ban QLDA chưa chủ động trong công tác giải ngân, chậm hoàn thiện thủ tục, một số dự án dùng không hết vốn”, Thứ trưởng nói và yêu cầu, các chủ đầu tư, ban QLDA tập trung vào công tác giải ngân, phân công nhiệm vụ rõ ràng và lên kế hoạch giải ngân cho từng tháng.
“Đối với phần vốn kế hoạch năm 2016 kéo dài phải ưu tiên giải ngân toàn bộ trong năm nay, bởi đây là phần không điều chỉnh được. Đồng thời, các chủ đầu tư, ban QLDA tập trung giải ngân phần vốn kế hoạch 2017 và cơ bản phải giải ngân hết phần vốn đã đăng ký”, Thứ trưởng Đông yêu cầu.  
Đề cập đến công tác quyết toán, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, bên cạnh việc thực hiện quyết toán theo kế hoạch, các chủ đầu tư, Ban QLDA tiến hành rà soát lại khối lượng thanh toán đang còn giữ lại và phải giải quyết thanh toán trên cơ sở khối lượng, nghiệm thu, đánh giá, thậm chí cả kiểm toán độc lập. Phần nào cần giữ lại phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. “Cuối tháng 9, các chủ đầu tư, Ban QLDA phải có báo cáo cụ thể về việc đăng ký phần vốn phải giải ngân trong năm 2017, cũng như cam kết của các đơn vị từ trước, cái nào giải ngân hết, cái nào không và nêu rõ các kiến nghị, đề xuất để Vụ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Bộ GTVT xử lý”, Thứ trưởng Đông chỉ đạo.