Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dậy thì sớm ngày càng gia tăng ở trẻ

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, xu hướng dậy thì sớm ngày càng gia tăng ở trẻ em, trở thành nỗi lo sợ với nhiều cha mẹ bởi những trẻ bị bệnh này thường bị thấp lùn khi trưởng thành cùng nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác. Chuyên gia y tế khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kỹ về tình trạng này để bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của trẻ.

Thói quen gây hại
Đưa con gái 9 tuổi đến khám và điều trị dậy thì sớm tại Bệnh viện Xanh Pôn, chị N.T.H. (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị phát hiện con gái có những dấu hiệu của dậy thì sớm cách đây gần một năm nay: Phát triển tuyến vú, mô ngực ... “Con bị tình trạng này là do thói quen chiều con, tôi hay cho con đồ ăn nhanh, chiên, rán, uống nhiều nước ngọt, sữa có đường...”.
Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - TS Trương Hồng Sơn cho rằng, thực ra, Việt Nam đang đi theo xu hướng của thế giới. Nếu trước kia cách đây khoảng vài chục năm, tuổi dậy thì ở nữ là 13 tuổi, nam 16 tuổi thì hiện nay, con số đó đang được đẩy lên sớm, thường là 11 tuổi.
 Hiện nay ở các TP lớn, tuổi dậy thì sẽ được đẩy sớm lên gần tương đương với các nước phát triển..

Ở các nước định nghĩa về dậy thì sớm là trước 9 tuổi, tuổi dậy thì cũng khoảng 10 - 11 tuổi. Điều này cho thấy, đây không phải là tình trạng chỉ diễn ra ở Việt Nam mà là tình trạng chung ở trên toàn cầu. Hiện nay ở các TP lớn, tuổi dậy thì được đẩy sớm lên gần tương đương với các nước phát triển.
TS Trương Hồng Sơn cho rằng, dậy thì sớm liên quan đến nhiều vấn đề. Đó là do từ tình trạng dinh dưỡng béo phì sẽ làm tăng lên nguy cơ dậy thì sớm. Ngoài ra còn có những vấn đề khác như: Tâm lý, vấn đề về văn hóa, xã hội…
Cũng theo TS Trương Hồng Sơn, đối với bé trai và bé gái, dậy thì sớm là tình trạng phát triển sớm của xương và cơ bắp một cách bất thường. Bao gồm các dấu hiệu: Tăng trưởng chiều cao một cách nhanh chóng, phát triển lông nách, xuất hiện mụn trứng cá, xuất hiện mùi cơ thể đặc trưng cho từng giới tính. Trong đó, dậy thì sớm ở bé gái thường kèm theo một số dấu hiệu như phát triển tuyến vú, mô ngực, lông mu, lông nách, xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt. Còn ở bé trai, dậy thì sớm có thể dẫn đến phát triển râu, phát triển tinh hoàn, dương vật mở rộng, xuất hiện lông trên cơ thể, lông mu, lông nách, lông tay chân, yết hầu phát triển, giọng nói trầm.
Dậy thì sớm sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ, trong đó, nguy cơ lớn nhất là chậm tăng trưởng chiều cao của trẻ. Bởi trẻ nữ thường phát triển chiều cao tốt nhất đến giai đoạn giữa dậy thì, còn trẻ nam sẽ phát triển tăng chiều cao nhanh đến cuối giai đoạn dậy thì. Như vậy, nếu tuổi dậy thì càng sớm thì giai đoạn phát triển chiều cao sẽ càng ngắn đi, ngoài ra còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Cải thiện tình trạng nhờ áp dụng phương án 5+2
Để tránh được tình trạng dậy thì sớm, TS Trương Hồng Sơn cho rằng, điều này liên quan đến nhữn yếu tố về văn hóa, vấn đề về chống thừa cân (bao gồm cắt giảm các thức ăn không có lợi cho trẻ như: Gluxit (tinh bột), protein (chất đạm), chất béo, đồ ăn nhanh, ăn vặt, nước ngọt…). “Qua đó, phụ huynh nên giữ cho trẻ có tình trạng dinh dưỡng thật tốt, nằm ở trong giới hạn bình thường” - TS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh.
Cùng với đó, chuyên gia cũng lưu ý, phụ huynh nên sắp xếp thời gian học, thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt, phụ huynh nên cho con có một chế độ sinh hoạt điều độ, tăng thời gian vận động. Đơn cử, phụ huynh có thể đưa ra các phương án con sẽ phải tham gia các môn thể dục, thể thao. “Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến nghị đưa ra phương án 5+2. Nghĩa là 5 ngày thể dục và 2 ngày thể thao” - chuyên gia cho hay.
Theo đó, TS Trương Hồng Sơn khuyến cáo, hàng ngày, phụ huynh nên giao cho con những công việc ở trong gia đình như: Sắp xếp đồ đạc, dọn cơm…, các việc vặt khác, để con được vận động, tăng trách nhiệm cho con trong công việc gia đình. Phụ huynh nên khích lệ, động viên con tập thể dục mỗi ngày khoảng 30 phút.
Còn 2 ngày cuối tuần hoặc trong tuần, khuyến khích con chơi các môn thể thao ngoài trời. Bởi ngoài trời, khi các con tiếp xúc với ánh sáng đồng nghĩa với việc tiếp xúc vitamin D. Đây là một trong những vi chất liên quan đến hấp thụ canxi. Vì vây, hoạt động này cũng làm cho con phát triển chiều cao tốt hơn.
Đặc biệt, ở lứa tuổi này, phụ huynh cho con chơi các môn thể thao kéo dài như: Cầu lông, bóng bàn, đạp xe, đá bóng, bóng rổ, bóng chuyền… tránh những môn tì đè (không nên tập tạ ở tuổi này). “Phụ huynh cũng nên khuyến khích con chơi những môn thể thao đồng đội. Bởi hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích về vấn đề thể lực mà nó còn mang lại cảm xúc, tạo cho trẻ có mối liên hệ với nhau trên tinh thần đoàn kết, tinh thần đồng đội…” - chuyên gia chia sẻ.
Bên cạnh đó, TS Trương Hồng Sơn cũng lưu ý, phụ huynh nên để ý đến giấc ngủ của con. Thực tế, phần lớn trẻ thừa cân béo phì sự chuyển hóa sẽ chậm đi do những vấn đề liên quan đến giấc ngủ. Thức khuya vừa làm cho trẻ tăng thêm nguy cơ thừa cân, lại vừa làm giảm hormone liên quan đến hormone tăng trưởng.
Bởi hormone tăng trưởng (Growth hormone) tiết nhiều nhất vào lúc 22 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Như vậy, phụ huynh cố gắng sắp xếp cho con ngủ sớm trước giờ đó. Mỗi lứa tuổi có thời gian ngủ khác nhau.
Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ nên ngủ trước 21 giờ; đối với trẻ trong lứa tuổi đi học nên ngủ lúc 21 giờ 30 phút để đảm bảo lúc 22 giờ trẻ bắt đầu ngủ say. Như vậy, từ 22 giờ đến 1 giờ sáng, con sẽ tăng hormone, góp phần tăng trưởng chiều cao.

"Thức khuya vừa làm cho trẻ tăng thêm nguy cơ thừa cân, lại vừa làm giảm hormone liên quan đến hormone tăng trưởng. Bởi hormone tăng trưởng (Growth hormone) tiết nhiều nhất vào lúc 22 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Như vậy, phụ huynh cố gắng sắp xếp cho con ngủ sớm trước giờ đó. " - TS Trương Hồng Sơn