Dạy và học di sản là giáo dục ý thức bảo vệ di sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông hướng tới đích giúp học sinh có những hiểu biết về những giá trị của các di sản, qua đó giáo dục học sinh ý thức gìn giữ, bảo vệ các di sản văn hóa”.

Thông điệp này được đưa ra tại hội thảo Tăng cường sử dụng di sản văn hóa vật thể trong giáo dục vì sự phát triển bền vững tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương được diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày  24 và 25/3.

Hơn 60 chuyên gia quốc tế và Việt Nam từ 13 quốc gia châu Á Thái Bình Dương về giữ gìn di sản văn hóa và công tác giáo dục di sản trong môi trường học đường chia sẻ những kinh nghiệm thực tế khi triển khai công tác giảng dạy về di sản trong môi trường giáo dục được thực hiện trong hai năm (2013-2014) tại 4 quốc gia Pakistan, Palau, Uzbekistan và Việt Nam, khám phá cách để tích hợp các di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững trong giáo trình hiện tại.  

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Các cơ quan quản lý giáo dục và văn hóa xác định việc gìn giữ văn hóa phi vật thể là bảo vệ con người và vì vậy công tác giáo dục di sản – đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường – là một trong những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Bởi di sản văn hóa phi vật thể cũng là linh hồn, sự sống làm nên giá trị các di tích văn hóa vật thể.  

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, nhà trường phổ thông vừa có trách nhiệm giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về di sản văn hoá, vừa có trách nhiệm sử dụng di sản văn hoá để dạy học. Việc sử dụng di sản văn hoá để dạy học sẽ mang lại những kết quả tích cực vừa có giá trị ở phương pháp giáo dục kiến thức phổ thông theo quy định của chương trình, vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của học sinh đối với di sản văn hoá.

Bởi vậy chương trình được xây dựng cần có sự linh hoạt và phải phù hợp với văn hóa địa phương và dân tộc; phù hợp với mọi điều kiện của nhà trường ở nông thôn, đô thị, miền núi, ven biển, hải đảo... và với mọi đối tượng học sinh. Bộ GD&ĐT có quan niệm chỉ đạo lấy học sinh và hoạt động học làm trung tâm; tận dụng khai thác nguồn học liệu tại chỗ là những di sản văn hóa gần gũi, xung quanh môi trường sống, dễ hiểu với HS và sử dụng những kinh nghiệm và tri thức của người địa phương. Hiện nay, giảng dạy về di sản đã là yêu cầu với các trường phổ thông. Các dự án đưa di sản vào trường học có được tác động tích cực nhưng còn không ít thách thức đối với các nhà quản lý giáo dục, văn hóa…

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên cũng khẳng định: “Việc đưa di sản vào dạy trong trường học cũng là cách để người địa phương biết quý trọng và bảo vệ di sản, phát huy giá trị của di sản, tạo ra nguồn lực cho địa phương, góp phần tăng trưởng GDP chung của địa phương”.

Tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động đưa di sản vào trường học khá thành công. Trong đó, mỗi tỉnh lại có một một cách thức đưa di sản đến gần hơn với cộng đồng. Tỉnh Bắc Ninh,  Nghệ An có phong trào đưa dân ca vào trường học; tỉnh Phú Thọ đưa hát Xoan vào trường học; Lạng Sơn dạy học sinh phổ thông đàn Tính, hát Then. Nhiều trường phổ thông tại Hà Nội đưa học sinh tới tham gia Câu lạc bộ Em yêu lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia để học lịch sử qua hệ thống bảo tàng…Phương thức tổ chức dạy học giáo dục di sản văn hóa được thực hiện lồng ghép vào các môn học (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mỹ thuật...), với các hoạt động giáo dục nội khóa hoặc ngoại khóa... cũng mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần