Là thành viên đoàn giám sát của Quốc hội, ông thấy việc thực hiện chính sách, pháp về quy hoạch quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 như thế nào?
- Chúng ta thấy rất rõ là đô thị ở Việt Nam trong thập kỷ qua, đặc biệt kể từ khi có Luật Đất đai năm 2013 ra đời đến nay phát triển rất mạnh mẽ cả về số lượng, nội dung, hình thức.
Cho đến bây giờ, mong ước của Bác Hồ phải xây dựng cho đất nước chúng ta trở nên “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” đang trở thành hiện thực. Các tập đoàn xây dựng, nhất là các tập đoàn xây dựng tư nhân đã có những đóng góp to lớn trong việc thay đổi bộ mặt đô thị cũng như nhiều địa điểm trên các tỉnh, TP cả nước.
Nhưng bên cạnh đó, cũng thấy còn quá nhiều những bất cập, sai phạm, khuyết điểm tồn tại ở tất cả mọi lĩnh vực, ở tất cả các tỉnh, thành. Nhiều sai phạm hết sức nghiêm trọng gây bức xúc lớn trong toàn xã hội. Những mặt được rất lớn, nhưng tồn tại khuyết điểm rất nhiều.
Ông có thể nói rõ hơn về mặt tồn tại thực tế về thực hiện chính sách, pháp về quy hoạch quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013?
- Những khuyết điểm, tồn tại, vi phạm của Luật Đất đai năm 2013 rất phổ biến. Có rất nhiều nguyên nhân. Nhất là các tập đoàn xây dựng nhà ở thương mại không chấp hành trong quá trình thực hiện. Còn chính quyền các địa phương lại quản lý lỏng lẻo, giám sát không tích cực và có lợi ích nhóm, thiếu quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân, thiếu nghiêm túc trong việc chấp hành các quy định của pháp luật dẫn đến sai phạm.
Một nguyên nhân nữa là quá trình đô thị hóa quá nhanh, cách đây 10 năm chúng ta chỉ có khoảng 600 đô thị, nhưng nay đã có khoảng trên 800 đô thị. Đặc biệt là khu vực miền Đông Nam bộ. Do phát triển quá nhanh, quá nóng nên rất khó quản lý, theo dõi.
Mặt khác, Luật Đất đai 2013 ra đời nhưng nhiều văn bản dưới luật chưa có, hoặc thực tế cuộc sống phát triển quá nóng, quá nhanh nhưng luật chưa được điều chỉnh cho phù hợp. Vừa qua đoàn giám sát đã thấy được tất cả những nguyên nhân này và đã có ý kiến cụ thể, rốt ráo để khắc phục tất cả những sai phạm này.
Cá nhân ông có những kiến nghị gì để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó?
- Tôi có nhiều đề xuất và đã phát biểu trong các cuộc họp đoàn giám sát. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh một số đề xuất sau:
Thứ nhất, mong muốn chính quyền các địa phương phải vào cuộc tích cực để lấy lại những khoảng trời, mặt biển, bãi biển, bờ sông, mặt hồ…. cho Nhân dân, để đảm bảo quyền lợi của Nhân dân.
Cụ thể, khi một số resort xây dựng ở các bãi biển đã ngăn cản người dân tắm biển ở những khu vực này. Điều này là xâm hại lợi ích cộng đồng. Hoặc xây dựng các khu đô thị san sát với những tòa nhà trọc trời liền kề nhau ngăn cản hướng gió, khiến các tòa nhà phía sau rất khổ sở. Dù cư dân sống ở sát sông, sát biển mà giống như ở trên núi. Do đó, tôi tha thiết mong muốn chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để giành lại chút quyền lợi ít ỏi đó cho người dân.
Mặt khác, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện các bản quy hoạch quy mô của các TP, các vùng miền. Bản quy hoạch đó phải có tầm nhìn trong 30 năm, 50 năm tới. Đặc biệt., cần phải quy hoạch tổng thể không gian ngầm từ bây giờ để sau này con cháu chúng ta sử dụng được những không gian đó.
Mặt khác, cần cởi mở, minh bạch, rõ ràng hơn trong các vấn đề về đất đai, đặc biệt là quy hoạch. Chỉ có minh bạch, rõ ràng thì những vấn đề lợi ích nhóm, tiêu cực trong sử dụng đất đai, những vấn đề tiêu cực trong sử dụng đất đai mới được phát hiện sớm và giải quyết kịp thời.
Một vấn đề nữa tôi muốn kiến nghị là đã đến lúc Quốc hội cần quan tâm đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến nghĩa trang, nghĩa địa cho người đã khuất. Vấn đề này càng ngày càng trở nên nghiệm trọng, bởi hiện nay, xuất hiện ngày càng nhiều bệnh tật mà các bệnh tật đó có tác nhân từ vi rút, vi khuẩn rất khó xử lý.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch treo đang gây nhiều bức xúc trong Nhân dân, ông có đề nghị gì để giải quyết tình trạng này?
- Liên quan đến vấn đề quy hoạch treo, tôi đề nghị tất cả các cấp chính quyền phải vào cuộc để hạn chế tối đa tình trạng này. Hiện nay, đây là vấn đề đang rất nóng ở hầu hết các địa phương. Tôi đã biết có những vùng, cán bộ nói với dân rằng sắp làm dự án, mà dự án kéo dài từ 1993 đến nay vẫn chưa động tĩnh gì, như vậy dân rất khổ vì không biết đến bao giờ mới làm dự án.
Trong quá trình tiếp xúc cử tri, tiếp dân, chúng tôi thấy tuyệt đại đa số những thắc mắc, khiếu nại kiện tụng kéo dài của dân đều xuất phát từ vấn đề đất đai. Việc này, đoàn giám sát hết sức quan tâm. Đến bất cứ địa phương nào có quy hoạch treo, đoàn giám sát đều nhắc nhở, ghi vào biên bản và đề nghị chính quyền địa phương đó phải tập trung để giải quyết. Trên diễn đàn Quốc hội, đây cũng là một trong những vấn đề then chốt, quan trọng và Thường vụ Quốc hội chỉ đạo để Chính phủ, các cấp chính quyền Nhân dân giải quyết. Đây là tín hiệu vui và là thành công của đoàn giám sát.