Có quy định phù hợp về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp
Về một số vấn đề lớn trong Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Dự Luật đã bổ sung 01 điều quy định về quyền thụ hưởng của người dân; bổ sung nội dung và hình thức cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định; quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện dân chủ ở mỗi loại hình cơ sở tại từng chương tương ứng để rõ việc, rõ trách nhiệm và trình tự, thủ tục thực hiện….
Liên quan đến thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây không phải là vấn đề mới, đã được thể chế hóa trong nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp và tại nơi làm việc. Vì vậy, việc tiếp tục ghi nhận và quy định cụ thể về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (sau đây gọi là tổ chức có sử dụng lao động) là cần thiết.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Trị) đề cập đến quy định kiểm tra, giám sát ở doanh nghiệp ngoài nhà nước và cho biết đây là vấn đề mới. Do vậy nếu cầu toàn đưa tất cả các nội dung của doanh nghiệp nhà nước áp dụng với doanh nghiệp ngoài nhà nước là không phù hợp và không khả thi. Đại biểu đề nghị cần phân định các quy định theo nhóm chủ thể là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trên cơ sở đó thiết kế các quy định ở mức độ phù hợp với từng đối tượng, có được thực tiễn triển khai sau một thời gian có thể tiến hành tổng kết đánh giá từ đó sửa đổi, bổ sung về sau.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Nam Định) cũng đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định về dân chủ ở cơ sở đới với các tổ chức có sử dụng lao động. Nếu trong trường hợp người đứng đầu các tổ chức có sử dụng lao động không thực hiện các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thì sẽ bị xử lý. Điều này sẽ gây áp lực thêm cho tổ chức, ngoài việc chịu sự kiểm tra, thanh tra, đảm bảo điều kiện an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm…, giờ các tổ chức sẽ gánh thêm áp lực đảm bảo dân chủ, đây sẽ là áp lực lớn cho người đứng đầu các tổ chức. Ngoài ra, việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm cũng sẽ làm tăng thêm công việc, nhiệm vụ cho các cơ quan nhà nước.
Đại biểu cho rằng, với các quy định này, pháp luật đang can thiệp sâu vào hoạt động của các tổ chức có sử dụng lao động, khiến các tổ chức này mất đi sự chủ động, gây tốn kém thời gian, nguồn lực, không còn tập trung cho việc sản xuất, kinh doanh, bị kìm hãm trong phát triển. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần cân nhắc để quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn, đảm bảo khả thi trong tổ chức thực hiện.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cũng cho rằng, đối với việc thực hiện dân chủ ở các tổ chức có sử dụng lao động, đại biểu cho rằng, một số quy định còn chưa khả thi, không phù hợp với môi trường kinh doanh của các tổ chức này. Cụ thể, việc công khai thông tin kinh doanh của xí nghiệp, công ty đối với toàn thể người lao động là việc không thực tế, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, tình hình sản xuất, làm lãng phí nguồn lực, lộ bí mật thông tin kinh doanh của doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ để đảm bảo quy định của Luật có tính khả thi khi tổ chức triển khai thực hiện.
Tránh thực hiện dân chủ một cách tương đối hình thức
Góp ý Dự Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở thời gian qua có kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn có những bất cập, vướng mắc, người dân chưa phát huy được quyền làm chủ, quyền được biết, bàn, quyết định, kiểm tra, thụ hưởng của mình. Đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân là do chính quyền cơ sở còn thực hiện dân chủ một cách tương đối hình thức.
Với Dự Luật này, đại biểu cho biết các quy định là tương đối hợp lý, đồng thời bày tỏ mong muốn khi Luật được ban hành, các chính quyền địa phương sẽ bám sát nội dung, tích cực tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc để đảm bảo Luật có tác động tích cực trong thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội) đề nghị, cần có Ban Thanh tra Nhân dân ở cấp xã, phường nhưng phải có hình thức tổ chức, cơ chế hoạt động thực chất, hiệu quả. Ngoài ra, cần có cơ chế để Ban Thanh tra Nhân dân không hoạt động một cách bè phái hoặc đưa quá nhiều người thân, họ hàng vào làm việc.
Về nội dung công khai, các đại biểu cho rằng, liên quan đến việc công khai về đất đai như thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cần có quy định để công khai rõ ràng, cập nhật kịp thời.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, nếu để chậm trễ trong việc công khai về đất đai là người dân rất thiệt thòi và nếu công khai không rõ ràng thì lại là môi trường rất tốt, màu mỡ để nhũng nhiễu, tiêu cực, tham ô, tham nhũng phát triển. Cho nên, cần có quy định để đảm bảo được việc công khai về lĩnh vực đất đai.
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng, Dự Luật giao quá nhiều quyền cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Đại biểu ví dụ, tại khoản 2 Điều 43 quy định: Yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp các thông tin về quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, các quy hoạch khác liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.
Theo đại biểu, việc giao quyền cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng như Dự Luật là quá lớn, trong khi đây chỉ là một tổ chức phục vụ cho việc theo dõi, giám sát theo từng chương trình, dự án trên địa bàn cấp xã, thôn, tổ. Hơn nữa, năng lực chuyên môn không đủ, mà cũng không thể đáp ứng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh quy định này cho phù hợp với quy mô, tổ chức và trình độ năng lực của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.