ĐB Quốc hội: Có những lãng phí vô hình với sức tàn phá rất lớn

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi–Sáng 31/10, Quốc hội đã giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Một số đại biểu cho rằng, đằng sau những lãng phí hữu hình đo đếm được, còn những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều.

Tại sao lãng phí ở khu vực công trầm trọng hơn khu vực tư?

Trong thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn tỉnh Hải Dương) băn khoăn: Tại sao trong khu vực công hiện tượng lãng phí luôn xảy ra nhiều hơn và trầm trọng hơn khu vực tư? Các cấp, các ngành cơ bản đều ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm, hằng năm và tổ chức triển khai trên cơ sở quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chương trình do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Công tác tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quan tâm chú trọng và chất lượng từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn tỉnh Hải Dương) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn tỉnh Hải Dương) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

“Nỗ lực là thế, nhưng tại khu vực công vẫn còn nhiều thất thoát, lãng phí, từ việc nợ đọng thuế, thất thu thuế cho đến hàng nghìn dự án chậm tiến độ... Việc lãng phí, thất thoát trong khu vực công vẫn xảy ra và vẫn là vấn đề còn rất là nhiều trăn trở"- đại biểu đặt vấn đề.

Theo đại biểu, một nguyên nhân căn bản khiến cho việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn có nhiều hạn chế là do ý thức cá nhân chỉ chú trọng đến những lợi ích của bản thân. Đại biểu cho rằng, bản thân căn nguyên sâu xa của việc lãng phí của công chính là lối sống thực dụng, ích kỷ sẽ dẫn đến việc con người chỉ quan tâm nhất đến quyền lợi vật chất của cá nhân mình, không vì cái chung, không vì tập thể và lối sống ấy sẽ dẫn đến tư duy không nỗ lực vì cái chung.

"Tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công đòi hỏi con người phải đặt lợi ích của cộng đồng, của tập thể, của quốc gia lên trên hết để nỗ lực trong mọi hành động từ nhỏ nhất như tiết kiệm thời gian cho đến lớn hơn là sử dụng một cách hiệu quả nhất, hợp lý nhất mọi tài sản công" – đại biểu nhấn mạnh.

Do vậy, đại biểu  đề nghị Chính phủ chỉ đạo dứt khoát, sớm đưa các dự án chậm tiến độ vào sử dụng để tránh lãng phí. Các cơ quan cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, xét xử; đồng thời đặc biệt chú ý đến nâng cao đạo đức con người, phát triển văn hóa, bởi đây là gốc của chống lãng phí, nhất là khu vực công.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng (đoàn tỉnh Kiên Giang) thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng (đoàn tỉnh Kiên Giang) thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng tình tính ích kỷ là một trong những nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng (đoàn tỉnh Kiên Giang) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu, xuyên suốt là thể chế liên quan đến tài sản công còn nhiều bất cập.

Kết quả giám sát cho thấy việc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật về định mức kỹ thuật đơn giá, kinh tế kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, khiến tài sản nhà nước, đất đai, tài nguyên khoáng sản... bị thất thoát lớn. Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt cơ chế, chính sách với nhiều lĩnh vực như đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng về xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), xây khu đô thị, đất đai, khoáng sản... còn lãng phí.

Vì vậy, đại biểu kiến nghị nghiên cứu chế tài xử lý tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ cần bổ sung nguồn lực kinh tế xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng đội ngũ pháp chế.

Còn nhiều sự lãng phí vô hình

Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nhận định, báo cáo của đoàn giám sát đã nêu lên và phân tích khá toàn diện các vấn đề liên quan và kèm theo đó là những con số, những đúc kết mà "bất cứ ai đọc tới cũng khó có thể làm ngơ". Tuy nhiên, đó chỉ là "bề nổi của những tảng băng", mới chỉ là một phần của những lãng phí hữu hình mà chúng ta có thể nhìn thấy được, chỉ ra được, đo đếm được. Nhưng chỉ như vậy đã thấy rất lớn, rất nghiêm trọng.

Theo đại biểu, đằng sau những lãng phí hữu hình ấy là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều, nó không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí nguồn lực quý giá của quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu, một trong những lãng phí như vậy là lãng phí niềm tin, lãng phí trách nhiệm. Đại biểu dẫn chứng, trong hai ngày thảo luận kinh tế - xã hội đã nghe rất nhiều những bệnh viện đầu ngành xin thôi tự chủ khiến cho một chủ trương quan trọng trong đổi mới hoạt động của bệnh viện công lập cũng là đổi mới ngành y tế có thể không thực hiện đúng lộ trình. Bên cạnh đó là việc không thể đấu thầu được thuốc, vật tư y tế trong nhiều bệnh viện công đã và đang ảnh hưởng lớn đến việc khám chữa bệnh cho hàng triệu người dân; không ít cán bộ công chức viên chức trong bộ máy nhà nước không làm hoặc không dám làm những việc cần phải làm đang gây trì trệ nhiều công việc lớn nhỏ trong bộ máy quản lý hành chính, khiến lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.

“Ở một góc độ nào đó những người trong cuộc bị đánh giá là thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức đấu tranh, thiếu năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đánh giá như vậy không hoàn toàn sai, nhưng tôi cho rằng, phần đông trong số họ là những người có lương tâm và trách nhiệm, chỉ có điều tinh thần trách nhiệm của họ do nhiều nguyên nhân không được phát huy, bị lãng phí và từ đó gây nên những lãng phí khôn lường không đo đếm được cho xã hội và đất nước”- đại biểu nói.

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) nêu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) nêu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn

Bày tỏ mong muốn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả tích cực hơn, đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) kiến nghị, những "điểm mờ" trong quản lý cần được đặc biệt quan tâm, thúc đẩy nỗ lực thực hành tiết kiệm, phấn đấu sử dụng hiệu quả các nguồn lực dưới góc độ nâng cao ý thức trách nhiệm và hiểu biết về thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Theo đại biểu, cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, phải tăng cường giáo dục ý thức xác định rõ trách nhiệm đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu; cần xây dựng môi trường văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chủ động, tự giác hơn để dần dần dần được thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trở thành nề nếp, ý thức sâu rộng và bền vững.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Cùng với việc tăng cường quản lý, thúc đẩy tuân thủ pháp luật thì cuộc vận động và phong trào thi đua sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và xây dựng văn hóa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hiệu quả, hiệu lực thực chất và đạt được nhiều thành tựu cao hơn.

Đại biểu Trần Hữu Hậu cũng cho rằng, một quy luật của sự phát triển là khi sự tiêu cực, yếu kém, trì trệ trở thành phổ biến thì lỗi không chỉ thuộc về những người trực tiếp làm mà lỗi trước hết thuộc về tổ chức bộ máy và phương thức vận hành của bộ máy đó. Vì vậy, để xóa đi những tiêu cực, trì trệ, yếu kém thì không chỉ dừng ở xử lý những người trực tiếp gây ra mà vấn đề căn bản là phải cải tổ bộ máy và phương thức vận hành.

Thất thoát, lãng phí trách nhiệm tăng, trở nên phổ biến trong các cấp, các ngành ở một bộ phận không nhỏ các cơ quan đơn vị và cán bộ công chức, viên chức. Qua đó, đại biểu đề nghị quan tâm thấu đáo sự lãng phí này và có giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt, biện pháp cụ thể để không bị lãng phí trách nhiệm, lãng phí niềm tin - những tài sản tài nguyên vô giá của sự phát triển đất nước.