Thưa ĐB, thời gian qua, nhiều lái xe uống rượu bia tham gia điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn thảm khốc, làm thế nào để Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia sắp được Quốc hội xem xét, thông qua khắc phục được vấn đề này?
- Tác hại của rượu bia đã gây hậu quả rất nghiêm trọng cả về kinh tế, tinh thần, tạo mối lo âu cho tất cả người dân và xã hội. Việc Quốc hội xem xét, thông qua Luật phòng chống tác hại của rượu bia trong kỳ họp thứ 7 này là rất cần thiết; đáp ứng được nhu cầu cũng như mong muốn của cử tri và Nhân dân.
Luật thông qua lần này muốn có hiệu quả, thì trong đó phải quy định các hình thức xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đối với người sử dụng rượu bia gây hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, trước kia trong Luật chỉ quy định mức xử phạt rượu bia với nồng độ 80miligam/lit thì phạt 16-18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe. Mức phạt như thế chưa đủ sức răn đe và chưa đủ sức cảnh báo. Vì thế, xảy ra rất nhiều sai phạm liên quan đến uống rượu bia.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội Đoàn Quảng Bình bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Hồ Hạ. |
Tôi kiến nghị Luật phải đưa vào những hình thức xử lý nghiêm minh hơn.
Ví dụ, sai phạm về uống rượu, bia phải thu hồi giấy phép lái xe từ 3-5 năm hoặcc xử phạt ít nhất 50-100 triệu đồng. Các cơ sở kinh doanh rượu, bia không được bán quá nhiều, khiến khách hàng say xỉn. Hoặc có quy định xử phạt về hành vi ép người khác uống rượu, bia. Bên cạnh đó, Luật cũng cần quy định các cơ sở kinh doanh không được bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi…
Chúng ta có thể rút kinh nghiệm gì từ quá trình xây dựng các văn bản Luật tương tự trước đây, thưa ông?
- Trước đó, chúng ta cũng đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Luật ban hành rồi nhưng từ ngày ban hành đến nay chưa có nơi nào xử phạt được vi phạm về thuốc lá, hoặc nhiều cơ quan nhà nước, nhiều thủ trưởng, lãnh đạo, cán bộ công chức một số ngành vẫn vi phạm hút thuốc trong phòng làm việc, trong cơ quan hoặc nơi công cộng…
Vậy thì trong khi xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, cần xây dựng quy định rất cụ thể, chi tiết để xử lý nghiêm, xử lý có hiệu quả những sai phạm thì tính từ đó mới nâng được hiệu quả của Luật.
ĐB đánh giá thế nào về công tác quản lý rượu bia hiện nay, đặc biệt là quản lý rượu thủ công?
- Hiện nay, Nhà nước đã quản lý rượu, bia, nhưng rượu giả, rượu nhập ngoại giả vẫn còn. Mặt khác, một số nơi tự nấu, pha chế rượu khiến người sử dụng bị ngộ độc cho thấy công tác quản lý rượu, bia trên thị trường hiện còn nhiều sơ hở. Sắp tới, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ban hành, thì việc rượu bia tự nấu của người dân vẫn khó kiểm soát. Hiệu quả của pháp luật chỉ ở mức độ chứ không thể tuyệt đối được.
Chúng ta thực thi Luật như thế nào để giải quyết được tình trạng gây tai nạn do rượu bia?
Luật đã ban hành thì trách nhiệm của tất cả các Bộ, ngành và các tỉnh, TP cần có văn bản triển khai về Luật. Đồng thời, hình thành một bộ máy về tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật đến tận người dân, từng cơ quan, đơn vị. Từ đó, kiểm tra, rà soát và có những giải pháp tiếp nối để có trường hợp vi phạm thì công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó, vi phạm ở nơi này thì nơi kia biết, vi phạm ở tỉnh này thì tỉnh kia biết, đã vi phạm thì không có bất cứ nơi nào cấp giấy phép lái xe, hoặc tuyển dụng những người lái xe đã vi phạm.
Bản thân tôi rất kỳ vọng sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành sẽ giảm bớt ít nhất 50-60% hậu quả do tai nạn. Còn tuyệt đối hoá hiệu quả của Luật, thì chắc chắn rất khó, vì thói quen uống rượu, bia trong các buổi tụ tập, liên hoan vui vẻ đã hình thành từ rất lâu đời, không thể bỏ ngay trong một sớm, một chiều.
Trân trọng cảm ơn đại biểu!