ĐB Quốc hội: Đề xuất quy định đàm phán giá thiết bị, vật tư y tế

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 5/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến về Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trong đó, vấn đề đấu thầu liên quan đến lĩnh vực y tế được nhiều đại biểu quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Quy định phải chặt chẽ, rõ ràng và khả thi.

Đề cập đến đấu thầu liên quan lĩnh vực y tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) đề nghị cho đấu thầu tập trung với cả hàng hóa, thuốc men, vật tư có số lượng rất nhỏ, rất hiếm cần mua sắm.

Theo đại biểu, cho phép như trên thì mới có nhà cung cấp, vì từng đơn vị mua quá ít thì không ai bán. Bổ sung quy định trên mới đảm bảo có thuốc hiếm; qua đó giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên khi tuyến dưới không có thuốc nên dồn lên...

“Mua sắm thuốc men, vật tư y tế là một hoạt động khó, dễ sai sót và cũng rất hay bị lợi dụng, tiêu cực. Vì vậy, rất mong Quốc hội xem xét kỹ lưỡng trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này để đảm bảo chặt chẽ, rõ và khả thi” – đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) thảo luận. 
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) thảo luận. 

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đánh giá cao dự thảo luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này được tiếp thu tương đối hoàn thiện, công khai, minh bạch, rõ ràng của các đối tượng đấu thầu. Tuy nhiên, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của Nhân dân có nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên không dám làm, không dám đấu thầu mua sắm tại một số địa phương và đơn vị. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại những nội dung liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế để kịp thời bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.

Về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc và trang thiết bị y tế, đối với những vùng gần đô thị, gần trung tâm, gần cảng biển, gần sân bay rất thuận lợi nhưng ở vùng sâu, vùng xa thì khó khăn vì chi phí vận chuyển cao, có tình trạng nhà cung cấp né tránh cung cấp cho những gói thầu tại vùng sâu, vùng xa…  Bên cạnh đó mua sắm tập trung đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền ban hành danh mục trang thiết bị về y tế, vật tư đấu thầu tập trung cần phải tháo gỡ.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Đối với quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, các gói thầu thường được thực hiện trong tình trạng khẩn cấp thì nên áp dụng, như gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh nhằm phục vụ kịp thời trong tình huống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại… theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Cân nhắc liên quan đến chỉ định thầu

Cũng quan tâm đến những điều khoản liên quan đến mua sắm trong lĩnh vực y tế, đại biểu Lê Văn Khảm (đoàn Bình Dương) cho rằng những cơ chế, chính sách và những quy định của dự thảo lần này đã tạo một cơ hội rất tốt cho người hành nghề y, cơ sở khám, chữa bệnh cũng như người bệnh trong việc sử dụng các dịch vụ phòng bệnh, chữa bệnh.

Liên quan đến quy định về chỉ định thầu, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung một trường hợp bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc và vật tư y tế để điều trị cho người bệnh nhưng hiện cơ sở chưa có sẵn vì rất hiếm gặp. Để hạn chế tình trạng người hành nghề có thể lạm dụng quy định thì việc chỉ định điều trị để chỉ định thầu chỉ được đưa ra sau hội chẩn chuyên môn theo Luật Khám, chữa bệnh.

Đề cập đàm phán giá, đại biểu cho biết quy định áp dụng đối với thuốc là biệt dược hoặc là thuốc chỉ có 1-2 nhà sản xuất, tuy nhiên ông đề xuất nghiên cứu để bổ sung nội dung về đàm phán giá đối với thiết bị và vật tư y tế. Bởi lẽ thiết bị y tế thường là các máy móc có yêu cầu rất cao về kỹ thuật và hạn  thường chỉ có 1 đến 2 hãng sản xuất. Vật tư y tế sử dụng trong điều trị bệnh cũng có những sản phẩm độc quyền, thường là sản phẩm có tính phát minh nên giá cao.

“Như vậy, chúng ta cần phải có cơ chế đàm phán giá để mua sắm với giá tốt nhất, điều này cũng có lợi cho cả bệnh nhân và cho Quỹ bảo hiểm y tế” – đại biểu đề xuất.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) thảo luận tại hội nghị
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) thảo luận tại hội nghị

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam), cân nhắc quy định về chỉ định thầu để đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, cạnh tranh cũng như thực hiện theo các cam kết quốc tế khi tham gia sân chơi chung. Theo đại biểu, vướng mắc lâu nay của đấu thầu thường được đề cập chính là do tổ chức thực hiện, từ khi xây dựng hồ sơ mời thầu đã tính cho nhà đầu tư nào trúng thầu, mới dẫn đến chuyện này chuyện kia.

Điều 23 thể hiện “gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo Nghị quyết của Quốc hội khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”. Băn khoăn nội dung này, ông Tạ Văn Hạ nói rằng Quốc hội cho chủ trương về các vấn đề gắn với phát triển kinh tế - xã hội, quốc kế dân sinh theo luật định, nên khi cho chủ trương, từ đó chỉ định thầu rồi khi có vấn đề gì thì Quốc hội có đứng ra chịu trách nhiệm không, việc giám sát của Quốc hội sẽ thực hiện thế nào?

Đại biểu cũng đề nghị xem xét thêm về quy định đấu thầu tập trung. Đại biểu chia sẻ, bệnh viện tư có đủ cơ sở để mua thuốc rất đơn giản, phù hợp thị trường nhưng bệnh viện công đủ năng lực mua luôn lại chờ sở đấu thầu trình mãi mới có được là một bất cập.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trong phát biểu tiếp theo, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ, rằng đấu thầu tập trung với mặt hàng có số lượng lớn, nhiều loại là rất cồng kềnh, mất thời gian, thậm chí lãng phí. Đại biểu cho rằng để bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh đấu thầu là chính để không phải chờ đợi. “Đừng sợ tiêu cực, tham ô, tham nhũng vì còn nhiều cơ chế khác để kiểm soát” – đại biểu nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn nêu ý kiến tại Hội nghị
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn nêu ý kiến tại Hội nghị

Làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn cho biết, về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, ngoài 8 phương thức lựa chọn nhà thầu còn có quy định thêm riêng cho mua sắm tập trung, mua sắm trang thiết bị y tế . Dự thảo dành nhiều điều khoản cho lĩnh vực này. không chỉ thực hiện theo Điều 57 mà còn có mua sắm trực tiếp, hay thực hiện chuyển tiếp… do đó đề nghị nhìn tổng thể các quy định có trong dự thảo Luật. 

Về chỉ định thầu, qua thảo luận các đại biểu cơ bản thống nhất hạn chế chỉ định thầu. Tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cũng lưu ý rằng đấu thầu nhằm lựa chọn được nhà thầu chất lượng với giá cả hợp lý. Nhưng hơn hết đấu thầu là nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh, bình đẳng cho các nhà sản xuất.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh một trong những mục tiêu của Luật Đấu thầu tạo một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho nhắc các nhà sản xuất, các nhà cung cấp để có thể được tham gia vào các gói thầu của khu vực công, các khu vực ở trong xã hội.  Nếu chỉ thông qua con đường chỉ định thầu thì tất cả những dự án sẽ vào những công ty lớn. Sau đó, công ty lớn chia cho công ty nhỏ. Khi đó những công ty khởi nghiệp sáng tạo sẽ không bao giờ tham gia được vào. Từ những phân tích trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn đề nghị đại biểu cân nhắc liên quan đến chỉ định thầu.