ĐB Quốc hội: Giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm là hợp lý

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 2/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội cho rằng việc quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu là hợp lý.

15 năm đóng BHXH được nghỉ hưu là thấy "có tương lai"

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên), Phó Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ nhất trí với nội dung được nêu trong dự thảo Luật về việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu là hợp lý vì Nghị quyết số 28-NQ/TW đã nêu: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”.

Đại biểu cho rằng, theo nguyên tắc thì đóng bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, nên 10-15 hay 20 năm đều có cơ sở. Điều này cũng trực tiếp liên quan đến mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH với điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu. Hơn nữa, quy định này là cũng nhằm giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 2/11
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 2/11

Phát biểu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về thời gian đóng-hưởng BHXH sẽ giảm từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm. Đây là xu hướng của thế giới hiện đại vì tiền lương ngày càng tăng lên, tỷ lệ đóng bảo hiểm ngày càng to ra. Tức là số năm đóng ngày càng ít nhưng tiền đóng thì nhiều lên.

Theo Chủ tịch Quốc hội, một trong những nhân tố quan trọng nhất để hạn chế việc rút BHXH một lần là giảm thời gian đóng bảo hiểm và làm tốt công tác truyền thông. Nếu "người ta thấy nếu đóng 20 năm thì quá xa xôi, 15 năm còn thấy có tương lai, tiến tới 10 năm thì càng có điều kiện để đóng bảo hiểm", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tránh gây "sốc" về chính sách với người lao động

Thảo luận tại tổ, đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình) góp ý về BHXH một lần được quy định tại Điều 70 của dự thảo Luật. Theo đó, thống kê cho thấy giai đoạn 2016-2022  trong số 4,5 triệu người hưởng BHXH một lần thì có khoảng 3,5 triệu người hưởng BHXH một lần và rời bỏ hoàn toàn hệ thống BHXH (đến thời điểm hiện tại), chiếm tỷ lệ hơn 70% số lượt người hưởng BHXH một lần. Điều này đặt ra yêu cầu về việc sửa đổi, bổ sung luật theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.

Thống nhất với phương án 1 được đưa ra tại Dự thảo Luật trong đó, quy định hưởng BHXH một lần đối với trường hợp “Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm”.

Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình)
Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình)

Lý giải nguyên nhân đồng tình với phương án này, đại biểu cho biết vì dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động khi bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như: Chỉ cần đóng BHXH đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng hưu; Hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; Hưởng bảo hiểm y tế do quỹ BHXH đóng, thời gian hưởng bảo hiểm y tế tối đa bằng thời gian đóng BHXH của người lao động; Trong thời gian nghỉ việc mà chưa có việc làm thì người lao động còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt…

Đại biểu cho rằng "quy định như trên để tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội". Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân của việc rút BHXH một lần từ đó hoàn thiện các chính sách có liên quan theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của BHXH.