Dừng việc miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ
Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An) cho hay, với sự phát triển của thương mại điện tử, hàng hóa có giá trị nhập khẩu có giá trị nhỏ có khối lượng ngày càng lớn. Dẫn số liệu thống kê vào thời điểm tháng 3/2023, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho hay, mỗi ngày có khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng nhập về Việt Nam qua sàn thương mại điện tử. Giá trị mỗi đơn hàng bình quân khoảng 200 ngàn đồng, tổng giá trị nhập khẩu đối với các hàng hóa giá trị nhỏ này mỗi ngày lên tới trên 800 tỷ đồng.
“Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh. Nếu xét về từng đơn hàng thì giá trị nhỏ, tuy nhiên, nếu xét về tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu thì không hề nhỏ. Do đó, nếu tiếp tục miễn thuế đối với loại hàng hóa này sẽ dẫn đến việc không thu được một lượng thuế khá lớn” - đại biểu Hoàng Minh Hiếu nêu quan điểm, đồng thời lo ngại có tình trạng xé nhỏ giá trị đơn hàng để tránh thuế.
Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, khi miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và ngành bán lẻ trong nước do hàng hóa nhập khẩu được hưởng nhiều lợi thế. Lợi thế trước hết là giá rẻ hơn so với hàng hóa trong nước khi họ không phải chịu thuế khi nhập khẩu. Đồng thời, do không phải thực hiện các nghĩa vụ thuế, nên việc thực hiện thủ tục hải quan đối với loại hàng hóa này cũng nhanh hơn, có tính cạnh tranh cao hơn.
Gần đây, một số sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng với giá rất rẻ, rất cạnh tranh. Nếu không có các giải pháp kịp thời, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất trong nước. Nhiều nước cũng đã bỏ quy định miễn thuế đối với hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử. Trong đó, Liên minh châu Âu từng áp dụng chính sách miễn thuế đối với hàng có giá trị dưới 150 euro, nhưng đã bãi bỏ từ 1/7/2021 với lý do chống thất thu thuế và đảm bảo công bằng trong kinh doanh. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng đã có những bước đi tương tự.
Từ đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị không miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Luật hiện hành và dự thảo Luật không quy định về vấn đề này nhưng việc miễn thuế đang được thực hiện theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTG năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. “Điểm này chưa phù hợp với chính sách do luật định, cần quy định rõ trong Nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội này về việc cần sớm chấm dứt hiệu lực của Quyết định này"- đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị.
Bảo đảm không xảy ra gian lận hoàn thuế
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về các trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trừ đầu vào, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về điều kiện để được hoàn thuế tại khoản 9 Điều 15 “trường hợp hàng hóa chưa được người bán kê khai nộp thuế giá trị gia tăng thì cơ sở kinh doanh không được hoàn”.
Quy định trên nhằm bảo đảm không xảy ra gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng khi thuế đầu vào chưa được nộp vào ngân sách nhà nước. Trong điều kiện quản lý mới này, chính sách cho phép các doanh nghiệp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng vẫn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào là không còn cần thiết và phù hợp.
Về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng là cần thiết. Nội dung này cần được quy định trong Luật nhằm xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng, bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp là "các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định".
Đây những nội dung liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ, quyền lợi của người nộp thuế, cần được quy định trong Luật như hiện hành. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý và quy định tại khoản 25 Điều 5 dự thảo Luật. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 200 triệu đồng trở xuống không chịu thuế giá trị gia tăng. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Về thuế suất 0%, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật quy định rõ trong về các trường hợp cung cấp hàng hóa cho các khách hàng nước ngoài được áp dụng thuế suất 0% nhất thiết phải được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, không bao gồm trường hợp hàng hóa được giao dịch giữa các đối tác trong nước theo chỉ định của thương nhân nước ngoài và thực chất được tiêu dùng trong nước, để tránh lợi dụng, gây thất thu ngân sách.
Về hoàn thuế giá trị gia tăng, chính sách cho phép hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam rồi làm thủ tục xuất khẩu luôn sang nước thứ ba có nguy cơ làm gia tăng tranh chấp thương mại với các đối tác lớn và dễ bị các đối tượng lợi dụng, gian lận về xuất xứ, làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng hóa Việt Nam như một số trường hợp đã bị cơ quan hải quan phát hiện. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý lại để loại trừ, không cho phép hoàn thuế đối với các trường hợp này.
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ các nội dung quy định về trách nhiệm người nộp thuế, cán bộ thuế để chuyển sang quy định tại Dự thảo Luật Quản lý thuế đang được trình Quốc hội trong Dự án 1 luật sửa 7 luật.