ĐB Quốc hội: Hoạt động dầu khí cần gắn với khẳng định chủ quyền biển, đảo

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 15/6, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia.

Tăng cường tính tự chủ, trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia

Thảo luận về Dự án Luật này, các đại biểu Quốc hội nhất trí với các mục tiêu đặc thù, bên cạnh việc tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí, sự đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước của ngành dầu khí, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Mục tiêu quan trọng hơn là góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Điều này cũng lý giải khi trong luật có những quy định khác biệt hơn so với các nguồn tài nguyên khác như năng lượng, tài nguyên nước, năng lượng mặt trời, gió…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Quan tâm đến việc ủy quyền quản lý Nhà nước đối với một số nội dung kinh tế kỹ thuật cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia nhằm đảm bảo tăng cường tính tự chủ, tăng cường trách nhiệm của Tập đoàn, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, trong lịch sử, nước ta đã có Tổng cục Dầu khí đảm nhiệm đồng thời cả hai nhiệm vụ là quản lý nhà nước và đầu tư phát triển thúc đẩy phát triển ngành dầu khí. Nếu bây giờ chúng ta trao cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia một số chức năng quản lý Nhà nước nhưng chỉ trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật để hoạt động hiệu quả hơn là một chủ trương thích hợp. Ngoài ra, việc tăng cường phân cấp, đảm bảo tính tự chủ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia cũng là một vấn đề rất quan trọng để nâng cao tính tự chủ về hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, hiện nay, việc quản lý doanh nghiệp Nhà nước ta đang có vấn đề. Đó là chúng ta đang có Bộ chuyên ngành quản lý, Ủy ban quản lý vốn tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, phải nói rằng, mô hình quản trị doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế nên để đảm bảo hiệu quả cho khu vực này thì cần đến những cải cách. Vì thế, những biện pháp định áp dụng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia là sẽ là những thí điểm để có thể mở rộng ra trong các lĩnh vực khác của khu vực doanh nghiệp Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu những con số ấn tượng về ngành dầu khí như hiện nay như: Việt Nam còn 51 hợp đồng đang tiếp tục khai thác, ngành dầu khí Việt Nam đã khai thác trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ m3 khí. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - doanh nghiệp nòng cốt của ngành dầu khí đã có những đóng góp quan trọng cho tổng thu ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội; giai đoạn 2006-2015 đóng góp khoảng 20- 25% tổng thu ngân sách và GDP. Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 33 trên 98 quốc gia có sản lượng dầu khai thác trong năm 2021.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu, đây là một thành tựu rất đáng khích lệ nhưng hiện nay hầu hết các mỏ dầu khí chủ đạo, điều đang khai thác với mức độ suy giảm sâu về sản lượng. Trong khi đó các thể chế, chính sách hiện hành chưa có cơ chế khuyến khích phù hợp cho hoạt động đầu tư để phát triển các mỏ nhỏ và cận biên, khuyến khích thu hút thêm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Về Dự Luật, đại biểu cho rằng, còn một số tồn tại, đó là khó khăn trong xây dựng Luật là làm sao để tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia; làm sao khuyến khích được xã hội hóa, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được tư nhân nhưng vẫn đảm bảo được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo được an ninh, quốc phòng. Trong Dự Luật, việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng chưa rõ ràng.

Đại biểu bày tỏ băn khoăn, trong Dự Luật dành một chương đề cập đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và có tới 86 cụm từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam xuất hiện trong Dự Luật. Theo đại biểu, quy định như vậy dễ dẫn đến sự hiểu lầm là luật này dành cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị thêm một chương về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về dầu khí, bởi dầu khí là tài nguyên quốc gia có ý nghĩa quan trọng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Thận trọng trong hình thành cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài

Cho rằng cần quan tâm đến chính sách đầu tư phát triển ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) phân tích, từ trước đến nay hoạt động nhiều khí hầu như là do đối tác bên ngoài thực hiện, trình độ công nghiệp trong nước chưa đủ năng lực để thực hiện thăm dò, khai thác dầu khí. Do vậy, đề nghị cần phải thiết kế một số điều quy định về đào tạo, chuyển giao công nghệ và các cơ chế, chính sách cụ thể đối với nhà thầu khi tham gia hoạt động dầu khí Việt Nam để chúng ta từng bước làm chủ công nghệ, kỹ thuật phát triển nền công nghiệp dầu khí.

Đại biểu Quốc hộiVũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hộiVũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi). Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, để phát triển ngành công nghiệp dầu khí, đại biểu cho rằng, chúng ta phải chủ động tăng cường việc hợp tác quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài để huy động được nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại và chia sẻ rủi ro, đồng thời tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật ngành dầu khí các nước phát triển. Vì vậy, rất cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật toàn diện hơn về chế định các nội dung cụ thể về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dầu khí nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý đối với các Bộ, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, từ đó từng bước làm chủ công nghệ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới.

Nhấn mạnh dầu khí là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và nếu xét về vai trò trong phát triển kinh tế, tài nguyên dầu khí chỉ đứng thứ hai sau đất đai, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, những đóng góp của ngành dầu khí thời gian qua là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, việc khai thác dầu khí là quá trình vô cùng khó khăn.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn

Về định hướng sửa đổi Dự Luật này, đại biểu cho rằng, một trong những định hướng sửa đổi quan trọng là cần hình thành cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là định hướng hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cũng cần đề cao tính thận trọng bởi trên thực tế dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo và trong những năm qua giá dầu khí luôn tăng cao.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, trên thực tế thời gian qua nước ta không có trường hợp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, nếu có cũng phải trả giá rất cao. Vì vậy, trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia, đề nghị xem xét kỹ và không đầu tư lĩnh vực này bằng mọi giá.

Cũng đề nghị bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác điều tra cơ bản dầu khí, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn TP Hà Nội) góp ý, quản lý các hoạt động dầu khí theo thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế và tuân thủ các quy định của Nhà nước nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư. Điều cần quan tâm đặc biệt là hoạt động dầu khí cần gắn liền với khẳng định chủ quyền biển, đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước. Đó là những nội dung cốt lõi cần được nghiên cứu, rà soát và bổ sung vào các điều, khoản có liên quan của Dự Luật.

Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (đoàn TP Hà Nội)
Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (đoàn TP Hà Nội)

Đại biểu cũng nhấn mạnh về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động dầu khí. Theo đại biểu, các sự cố tràn dầu “không rõ nguyên nhân” diễn ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn về kinh tế và để lại hậu quả lâu dài đối với môi trường biển. Nguy hiểm hơn, khó phát hiện hơn và gây hậu quả lâu dài là hiện tượng dầu âm thầm rò rỉ, thoát ra biển do các hoạt động dầu khí như: xử lý không tốt các lỗ khoan thăm dò và lỗ khoan sau khai thác, khi triển khai hoạt động khai thác, thu dọn công trình dầu khí…

“Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật làm rõ và bổ sung vào trong dự thảo Luật các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí và cơ quan quản lý trong việc xây dựng, trình duyệt và kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường”- đại biểu nêu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần