ĐB Quốc hội: Phải tính cả yếu tố thói quen, kỷ niệm vào đền bù đất

Thịnh An - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 9/6, thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ĐB Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Chúng ta bắt đầu tiếp cận giá đền bù đất theo hướng giá trị trường, nhưng chuyện thu hồi đất không phải giá là giải quyết được, phải tính đến nhiều yếu tố.

Quang cảnh thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai tại tổ 4
Quang cảnh thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai tại tổ 4

Lấy ý kiến Nhân dân phải thực chất, tránh hình thức

Thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc lấy ý kiến người dân về dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cần phải được quy định để bảo đảm thực hiện thực chất, tránh chuyện hình thức, lấy cho có. Hiện Dự thảo Luật không nói rõ bao nhiêu % đồng thuận là được, nếu người dân không đồng thuận 100% thì đạt tỷ lệ nào đó sẽ là người dân đồng thuận cũng cần làm rõ; trường hợp nào xác định là đồng thuận, trường hợp nào không đồng thuận.

"Nếu người dân không đồng thuận, cơ quan có thẩm quyền có xem xét, sửa đổi nội dung quy hoạch, kế hoạch không?; sửa đổi toàn bộ hay một phần; trong trường hợp bảo lưu thì trách nhiệm giải trình thế nào, chế tài với người có thẩm quyền nhưng không thực hiện trách nhiệm giải trình đó?…"- Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề. Đồng thời cho rằng, nếu không quy định, việc lấy ý kiến sẽ là hình thức. Tương tự như việc cải tạo chung cư cũ, rất khó để đạt đồng thuận hoàn toàn nên phải quy định rõ đạt bao nhiêu % là đồng thuận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không quy định kỹ thì rất khó làm, khó vận hành, bởi việc rà soát tiến hành theo nhu cầu thực tiễn. Trong đó, nhà đầu tư sợ nhất là kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp, rủi ro nhất trong đầu tư nông nghiệp là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Do vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, cần quy định chi tiết, chặt chẽ các điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, giám sát, chế tài xử lý vi phạm trong trường hợp lợi dụng để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo lợi ích nhóm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh)
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh)

Đồng thời bổ sung quy định nguyên tắc của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bảo đảm tương thích với nội dung nguyên tắc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong dự thảo Luật; quy định các tiêu chí cơ bản để thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm hạn chế việc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bổ sung chế tài đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm tính răn đe, hạn chế vi phạm có thể xảy ra.

Đền bù đất không phải cứ theo giá thị trường là được

Thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi đề nghị rà soát Điều 80 về điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013. Thành viên Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh: không chỉ yêu cầu xác định các trường hợp thu hồi phải được quy định trong Luật gắn với mục đích quốc phòng an ninh vì lợi ích quốc gia công cộng mà còn yêu cầu các trường hợp đó phải là trường hợp “thật cần thiết”. Đại biểu cho rằng, yêu cầu này rất sát và cho thấy hướng đi của Dự thảo Luật chưa được. Vì thế đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại điều này.

Đối với nội dung về giá đền bù đất, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, chúng ta bắt đầu tiếp cận theo hướng giá trị trường nhưng chuyện thu hồi đất không phải giá mà giải quyết được. Ví dụ, đất ruộng bà con chuyển nhượng qua lại 500 nghìn đồng/m thì nhà nước đền bù 600 nghìn đống/m, nghĩ như vậy đã là tốt rồi nhưng thực tế nhà, đất họ còn nhiều yếu tố về dòng tộc, tâm linh, quen thuộc. Người dân ở ổn định, khi "bốc" đi đền bù cao hơn nhưng không giải quyết được yếu tố ổn định, hàng xóm, trường học...

Vì thế đại biểu đề nghị: "Giá đền bù không chỉ theo thị trường để đảm bảo đời sống bằng hoặc tốt hơn thì phải cộng thêm yếu tố tinh thần vào (Luật Dân sự cũng quy định đền bù vật chất và thiệt hại về tinh thần). Đền bù cho chuyện họ phải di dời nhà cửa, cây trái kỷ niệm, ông bà từ lâu đời... đều phải tính. Chưa kể, bà con dân tộc thiểu số vấn đề này còn hệ trọng hơn, nghĩa địa trong rừng là vùng đất thiêng, khi tách họ ra thì phải tính tất cả những yếu tố này".

Quang cảnh thảo luận tổ Thành phố Hồ Chí Minh
Quang cảnh thảo luận tổ Thành phố Hồ Chí Minh

Đề nghị xem xét việc đóng tiền thuê đất của đơn vị sự nghiệp công lập

Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị Quốc hội xem xét việc đóng tiền thuê đất của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đại biểu cho rằng, hiện nay các đơn vị tự chủ hoàn toàn 100% có nhiều đơn vị khó khăn trong việc đóng nguồn tiền thuê đất hàng năm.

"Quốc hội, Chính phủ cần có nghiên cứu cụ thể hơn để quy định những đơn vị trong lĩnh vực nào thì sẽ đóng tiền thuê đất, sử dụng đất; còn những đơn vị nào không phải đóng do nhiều đơn vị có nguồn thu không nhiều mà phải chi đầu tư mua sắm thiết bị máy móc, sửa chữa... Việc nợ khoản tiền này dẫn đến nhiều rắc rối với cơ quan thuế"- đại biểu nêu.

Không đồng tình với điều 240 tiếp nhận và xử lý trách nhiệm của thủ trưởng, công chức, viên chức của cơ quan quản lý đất đai các cấp và và công chức địa phương cấp xã vi phạm quản lý đất đai. Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng những nội dung này đã được quy định trong các luật trước đó. Nếu bị khiếu nại về đất đai thì xử lý theo luật khiếu nại; bị tố cáo về đất đai thì xử lý theo luật tố cáo; liên quan đến sai phạm của cán bộ công chức viên chức địa chính là người quản lý thì xử lý theo luật công chức viên chức. Vì vậy, việc đưa vào Dự Luật nội dung này là thừa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần