Xem xét yếu tố đặc thù từng địa phương liên quan hoạt động cho thuê đất
Phát biểu ý kiến về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (Đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng Điều 120 của dự thảo Luật quy định về nội dung cho thuê đất; cụ thể tại Khoản 2 quy định về Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đã cơ bản thể chế được chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18.
Đặc biệt là việc quy định cụ thể các nhóm, lĩnh vực, ngành và đất sử dụng cho những lĩnh vực được trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. Tuy nhiên, theo đại biểu, đây là vấn đề cần phải xem xét yếu tố đặc thù phát triển của từng địa phương. Bởi thực tế có những dự án được xác định là động lực, trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của một địa phương và nhà đầu tư yêu cầu phải được trả tiền một lần để có thể cân đối, chủ động phương án tài chính đầu tư cho thực hiện dự án nhằm đảm bảo tính ổn định, tránh biến động trong quá trình triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư nhưng sẽ không được áp dụng hình thức thanh toán một lần.
Do đó, đại biểu đề nghị cần xem xét bổ sung tại Khoản 2, Điều 120 thêm trường hợp đó là đối với những dự án mang tính chất động lực, trọng điểm nằm trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương thì giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Xác định thế nào là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
Góp ý về quy định tại Điều 3, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn tỉnh Bình Thuận) đề nghị bổ sung giải thích thuật ngữ “dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng", vì pháp luật hiện hành chưa quy định giải thích. Hiện chưa xây dựng được tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, gây lúng túng, khó khăn cho các cơ quan thực thi trong việc áp dụng pháp luật về thu hồi đất.
Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải đáp ứng ba tiêu chí cụ thể sau: phải mang lại lợi ích chung cho nhân dân của một xã, của một huyện, của một tỉnh hoặc là của một vùng; do ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện hoặc là đầu tư theo phương thức đối tác công tư; mục đích thực hiện là công cộng.
Về tài chính đất đai và giá đất, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị bổ sung quy định về thuế đất trống. Vì dự thảo Luật lần này không nhiều thay đổi so với Luật hiện hành, chỉ bổ sung một khoản thu mới đó là tiền sử dụng đất trong trường hợp sử dụng đất đa mục đích.
Do đó, đề nghị dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung thêm quy định về là thuế đất trống. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, đây là công cụ chống đầu cơ, thúc đẩy quá trình triển khai đất đai ngành đầu tư vào sản xuất và tạo ra của cả vật chất. Và loại thuế này góp phần xử lý hiệu quả hiện tượng đầu cơ đất nông nghiệp để phân lô bán nền và tình trạng chiếm dụng đất sản xuất kinh doanh ở những vị trí đắc địa để trục lợi. Loại thuế này cũng mang lại nhiều hiệu quả trong thực tiễn đối với một số quốc gia.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cũng đề nghị bổ sung vào căn cứ xây dựng bảng giá đất tại Điều 159. Đại biểu cho rằng, cần bổ sung căn cứ chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như tốc độ tăng trưởng và cơ cấu sử dụng đất ở địa phương, GDP bình quân đầu người hay tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Vì những chỉ số này là căn cứ cần thiết để thể hiện tính đặc thù của địa phương ở tính khả thi và hiệu quả của bảng giá đất khi áp dụng vào thực tế
Ưu tiên đất được sử dụng cho mục đích văn hóa, giáo dục
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn tỉnh Phú Yên) cho biết, dự thảo Luật quy định, Nhà nước khuyến khích việc sử dụng đất vào mục đích phát triển văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao, khoa học, công nghệ và môi trường. Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên đã được xếp hạng hoặc được UBND cấp tỉnh quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt.
Đại biểu đặt vấn đề, cần thực hiện giải pháp nào để ưu tiên với đất đang được sử dụng cho mục đích văn hóa, giáo dục, tránh chuyển đổi sang mục đích lợi nhuận. Từ thực tế, đại biểu cho biết nhiều đất của trường học, các cơ sở văn hóa rất được các nhà đầu tư quan tâm, khi chuyển sang mục đích sử dụng khác thì việc thu hút người học của các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ đến những nguồn lực đầu tư cho văn hóa giáo dục, coi đó là sự đầu tư trực tiếp cho tương lai con em, không nên coi đó là những nhà đầu tư, kinh doanh thông thường, để có hướng quy định phù hợp. Đại biểu cho rằng, Điều 157 cần sửa đổi theo hướng thiết kế thêm đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là các cơ sở giáo dục ngoài công lập, để tạo được những thành tựu cụ thể trong giáo dục về dài hạn.