Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐB Quốc hội: Rõ quyền của người trúng đấu giá biển số xe, tránh đầu cơ

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 26/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá. Trong đó, đại biểu cho rằng, cần có chính sách về thuế và đăng ký tài sản đối với biển số trúng đấu giá.

Thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội
Thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội

Biển số nào được coi là đẹp và sẽ quyết định đem ra đấu giá?

Các đại biểu bày tỏ nhất trí việc thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc để đáp ứng nhu cầu của người dân các địa phương; đồng thời để khai thác hiệu quả tài sản công, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều vấn đề cần làm rõ.

Thảo luận tại tổ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh (đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu vấn đề trong quá trình tổ chức đấu giá biển số xe đẹp, sẽ phát sinh tình huống người đã có xe ô tô, xe đã có biển số nay muốn đấu giá lấy biển số mới để đổi biển cũ thì có được phép hay không?

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh (đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội)  phát biểu tại thảo luận tổ 
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh (đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội)  phát biểu tại thảo luận tổ 

Về giá khởi điểm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị nâng mức khởi điểm khi đấu giá biển số xe ôtô lên 100 triệu đồng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 50 triệu đồng ở các tỉnh thành còn lại, vì dự thảo quy định mức khởi điểm đấu giá ở Hà Nội, TP  Hồ Chí Minh 40 triệu đồng, các địa phương còn lại 20 triệu đồng là thấp. Cùng với đó, bước đấu giá tại Hà Nội nên là 20, 40, 50 triệu đồng. 

"Nên giao HĐND địa phương quyết định mức giá khởi điểm, bước giá khi đấu giá biển số ôtô. Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định giá tối thiểu"- Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói. Đồng thời đề nghị, tiền thu từ đấu giá biển số xe đưa về ngân sách địa phương.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, biển số xe sau khi trúng đấu giá là tài sản của người dân nhưng cần làm rõ Nhà nước sẽ quản lý ra sao, chống đầu cơ như thế nào...

Dẫn ra quy định trong Dự thảo, người trúng đấu giá phải có nghĩa vụ đăng ký xe trong thời hạn 12 tháng. Nếu người trúng đấu giá chết nhưng biển số trúng đấu giá chưa đăng ký gắn với xe thì người thừa kế phải nộp lại biển số trúng đấu giá và được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp sau khi trừ đi các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định (không tính được tính lãi suất), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cho rằng, biển trúng đấu giá xong phải gắn vào xe để đi chứ không phải giữ khư khư biển số đó. Do vậy đại biểu đề nghị giảm bớt thời gian kể từ ngày trúng đấu giá đến khi phải gắn vào xe là 3- 6 tháng thay vì quy định 12 tháng như Dự thảo nhằm tránh tình trạng đầu cơ biển số.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang), phải có chính sách thu thuế, lệ phí và đăng ký tài sản với biển số xe trúng đấu giá thì mới có dữ liệu để quản lý và cũng là để hạn chế tình trạng đầu cơ, và đảm bảo sự công bằng xã hội thì khi chuyển nhượng.

Đưa ra nhận định việc nhu cầu sở hữu biển số đẹp là thực tế tồn tại rất lâu của người dân, có khi biển số đẹp bằng giá trị của cả chiếc xe, đại biểu Dương Ngọc Hải (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu ra 3 vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng là bảo đảm công bằng, tương thích pháp luật và bảo đảm an ninh, trật tự. Trong đó, về vấn đề bảo đảm công bằng, đại biểu cho rằng, nhiều người dân muốn sở hữu biến số đẹp nhưng không có tiền đấu giá, họ hi vọng khi cấp số ngẫu nhiên sẽ được biển số đẹp; như vậy có bảo đảm công bằng hay không?

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu tại thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu tại thảo luận tổ

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) băn khoăn vì trong Dự thảo Nghị quyết không quy định rõ “thế nào là biển số xe đẹp” và không có danh mục “biển số xe đẹp”. Do đó cần quy định rõ “biển số xe đẹp”, “thành lập hội đồng quyết định và đưa ra danh mục biển số xe đẹp” để người có nhu cầu lựa chọn biển số và tham gia đấu giá. 

“Khi người dân đấu giá thành công biển số xe đẹp thì đó là tài sản cá nhân, có quyền sở hữu và định đoạt. Nhưng nếu không quy định cụ thể biển số đó được gắn cho bao nhiêu chiếc xe. Vì nếu trong 3 năm đổi 10 chiếc xe, nghĩa là gắn biển số đó lên 10 chiếc xe thì rất khó cho cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, sau thời gian 3 năm thí điểm phải tổng kết và quyết định có thí điểm nữa hay không. Do vậy cũng cần quy định rõ tài sản cá nhân là biển số xe ở thời điểm đó sử dụng như thế nào”- đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, kho số là tài sản công, biển số là của cá nhân nhưng Nghị quyết này đang coi biển số là tài sản công thì chưa phù hợp. Do đó, cần định nghĩa thế nào là số đẹp, phân chia các loại số đẹp, bởi nếu không có khái niệm về vấn đề này thì không tổ chức thực hiện được.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại thảo luận tổ
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại thảo luận tổ

Đại biểu Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương) lường trước 2 vấn đề khó khăn khi thực hiện thí điểm. Đầu tiên, số nào sẽ được quyết định đưa ra đấu giá, trong dự thảo chưa đưa ra tiêu chí thế nào là biển số đẹp, thế nào là biển số xấu... “Với nhiều người, số rất xấu thì lại rất đẹp, biển nào sẽ được quyết định đem ra đấu giá, ai sẽ quyết định đem ra đấu giá”- đại biểu đặt câu hỏi. Do đó, theo đại biểu, tiêu chí phải rõ, trong một dãy số phải có quy định những số nào là số đẹp để đem ra đấu giá.

Biển số đã trúng thì không được đem đi đấu giá tiếp

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn TP Hà Nội) nhận định, khi người dân trúng đấu giá thì biển số đó là tài sản tư. Nếu xác định đó là tài sản công thì sẽ hạn chế một số quyền của người dân, như việc chỉ cho phép quyền chuyển nhượng, thừa kế, tặng, cho trong trường hợp biển đã gắn với xe. Còn nếu cho đó là tài sản tư thì phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Khi đó, biển số chưa gắn với xe cũng thuộc quyền sở hữu cá nhân, được cho, tặng, chuyển nhượng, thừa kế không gắn với xe”- đại biểu nói.

Đại biểu Phan Huỳnh Sơn (đoàn An Giang) cũng đề nghị cần xác định rõ sau khi trúng đấu giá thì cái nào thuộc sở hữu tài sản công, phần nào quyền sở hữu của công dân. Theo đại biểu, “biển số xe đấu giá có thể lên đến cả tỷ đồng mà biển số đó bị trộm thì giá trị được xác định thế nào để cấu thành tội phạm?”.

Đồng tình với việc khai thác kho số nhằm thu ngân sách, song đại biểu Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) đề nghị Dự thảo Nghị quyết cần có một điều quy định về nguồn thu từ đấu giá đưa vào đâu, ai giữ, dùng vào việc gì để sau này Quốc hội còn biết, giám sát.

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Vũ Huy Khánh. Ảnh: VOV
 Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Vũ Huy Khánh. Ảnh: VOV

Cung cấp thông tin tại thảo luận tổ, đại biểu Vũ Huy Khánh (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội – cơ quan chủ trì thẩm tra Dự thảo Nghị quyết) cho biết, nhu cầu sở hữu biển số theo ý muốn, “biển số đẹp” có từ rất lâu nhưng cơ sở pháp lý chưa chắc chắn nên việc Chính phủ trình Quốc hội lần này nhằm thí điểm áp dụng chính thức trên toàn quốc.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp 16 trước kỳ họp thứ 4, nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý. Như tên gọi dự kiến là: “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô” để bảo đảm ngắn gọn rõ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và thống nhất với quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008.

Mức giá khởi điểm Chính phủ trình với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là 40 triệu đồng; các địa phương còn lại là 20 triệu đồng. Tuy nhiên, hướng tiếp thu hiện nay áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.

Ủy ban Quốc phòng – An ninh nhất trí với việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng chữ đen trong kho biển số chưa được đăng ký, mà không thí điểm đấu giá đối với biển số xe ô tô nền vàng chữ đen, biển số xe mô tô, xe gắn máy. Việc giới hạn như vậy là phù hợp, sau thí điểm có thể nghiên cứu mở rộng nếu hiệu quả.

Xuất phát từ mục tiêu quản lý nhà nước, tránh trường hợp đầu cơ, thương mại hoá làm méo mó, không lành mạnh hoạt động đấu giá biển số xe ô tô, Dự thảo cũng giới hạn nhất định quyền của người trúng đấu giá. Người trúng không nhất thiết phải có xe mới được đi đấu giá. Người trúng đấu giá có nghĩa vụ phải đăng ký xe trong thời hạn 12 tháng nếu không biển số sẽ bị thu hồi.

Về vấn đề đại biểu đặt ra “ai là người quyết định biển số nào mang ra đấu giá? Không có xe thì tham gia đấu giá được không?”, cung cấp thêm thông tin, đại biểu Vũ Huy Khánh cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, danh mục số được đưa ra đấu giá sẽ được xác định trước 45 ngày trước khi nguồn dãy số được đưa ra, công bố phục vụ công tác quản lý.

“Ví dụ biển ô tô Hà Nội đang K và từ 1/1/2023 chuyển sang đầu M thì trước đó 45 ngày cơ quan đăng ký thông báo công khai về dãy số đầu M để người dân quan tâm lựa chọn. Nếu trong 1 vạn biển số đó có khoảng 3.000 người quan tâm, dù chỉ 1 người, thì số này đưa vào danh mục đấu giá. Các số còn lại sẽ nằm trong kho bấm số ngẫu nhiên” – đại biểu Khánh phân tích.

Đông thời cũng nhấn mạnh, không giới hạn mỗi người đấu giá bao nhiêu biển mà “cứ có tiền là có thể tham gia đấu giá, không giới hạn”, tuy nhiên, biển số đã trúng thì không được đem đi đấu giá tiếp.

 

Người trúng đấu giá biển số xe có quyền gì?

Trước đó, ngày 21/10, trình Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Dự thảo Nghị quyết được xây dựng với một số quy định riêng để áp dụng cho việc thí điểm đấu giá biển số ôtô trong thời gian 3 năm. Biển số đưa ra áp dụng thí điểm đấu giá là biển số ôtô phục vụ nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen). Đây phải là những biển chưa được đăng ký, nằm trong cơ sở dữ liệu hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Dự thảo Nghị quyết, người trúng đấu giá được quyền đăng ký biển số trúng đấu giá gắn với ôtô thuộc sở hữu của mình; được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu; khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe đã gắn với biển số trúng đấu giá, người trúng đấu giá được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe.

Với người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe sẽ không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác; không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.

Về việc sử dụng nguồn thu từ đấu giá, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Dự thảo đã sửa theo hướng “Số tiền thu được từ đấu giá biển số sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách T.Ư”, thay vì phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách T.Ư, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương như trước.

Trong thẩm tra Dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội cũng nhất trí với quy định về quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá, vì biển số ôtô trúng đấu giá vừa là tài sản cá nhân vừa là công cụ quản lý Nhà nước. Vì thế, cần phải hạn chế một số quyền tài sản của người trúng đấu giá vì lý do quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự.

Việc này còn nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ biển số và tránh gây phức tạp trong việc xử lý hệ quả thí điểm đối với các biển số ôtô được cấp thông qua đấu giá nếu chủ trương này không được tiếp tục thực hiện sau khi hết thời hạn thí điểm.