ĐB Quốc hội: Thanh toán dứt điểm chế độ cho người tham gia phòng, chống dịch

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại phiên thảo luận chiều 29/5, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở;  quan tâm tới chính sách thu hút nhân lực cho y tế cơ sở... Đồng thời, giải quyết dứt điểm việc thanh toán chế độ cho người tham gia phòng, chống dịch.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Thành phố Hà Nội) thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Thành phố Hà Nội) thảo luận tại hội trường.

Chiều 29/5, Quốc hội đã thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Còn điểm nghẽn trong quản lý nguồn lực phòng dịch

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội đã đưa ra những nhận định sâu sắc và toàn diện về những kết quả đạt được, đồng thời cũng chỉ ra rõ những tồn tại, vướng mắc…

Nêu rõ hơn về những vướng mắc, chưa giải quyết được dứt điểm, đại biểu Đỗ Thị Lan cho biết, Quốc hội đã có Nghị quyết 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.

Theo đó giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản thuộc thẩm quyền để thực hiện có hiệu quả và đúng thời hạn Nghị quyết. Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ rà soát, quyết định xử lý vướng mắc trong thanh toán chi phí phòng, chống dịch Covid-19 nhưng đến nay chưa có văn bản chi tiết hướng dẫn thực hiện.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Đoàn tỉnh Quảng Ninh)
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Đoàn tỉnh Quảng Ninh)

Đại biểu đề nghị với Quốc hội đưa nội dung này vào Chương trình giám sát chuyên đề, quy định cho phép Chính phủ xây dựng văn bản thực hiện Nghị định 80 của Quốc hội về thanh toán chi phí phòng, chống dịch theo chương trình, thủ tục rút gọn, có phân cấp cho địa phương quyết định một số nội dung thông qua HĐND, Thường trực HĐND, UBND.

Đại biểu Đỗ Thị Lan cũng nêu, văn bản chi tiết, hướng dẫn của Chính phủ cũng có tính đặc thù khác với quy định hiện hành. Vì vậy đề nghị cần báo cáo Ủy ban Thường vụ trước khi thực hiện để giải quyết dứt điểm việc thanh toán chế độ cho người tham gia phòng, chống dịch, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay mượn, huy động, tiếp nhận tài trợ theo quy định của Nghị quyết 80 của Quốc hội.

Chỉ ra những điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời điểm tâm dịch phải có những lời khuyên cho những cơ sở, doanh nghiệp muốn đóng góp là đề nghị đóng góp bằng hiện vật. Trong quản lý thì chưa phân biệt được giữa dịch bệnh chưa gặp lần nào với dịch bệnh thông thường. Với những quy định pháp luật vào thời điểm đó khó có thể thực hiện mua được vaccine.

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 29/5
Quang cảnh phiên thảo luận chiều 29/5

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, vướng mắc là ở quy chế đấu thầu. Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu đang được thảo luận cũng chưa thấy cách nào để gỡ rối. Đến nay trong tình trạng bình thường mà các cơ sở điều trị còn thiếu thuốc, thiếu vaccine… thì không biết bao giờ tình trạng này mới khắc phục được.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng trong việc quản lý nguồn lực còn có nhiều điểm nghẽn trong sử dụng. Cùng với đó còn có những chính sách cần được nhìn nhận lại như trong lúc thiết vaccine lại không cho phép tiêm dịch vụ hay như lúc thiếu thuốc điều trị thì Bộ Y tế lại chậm trễ trong cấp số đăng kí thuốc, dẫn đến là tình trạng là mua bán bên ngoài và đẩy giá…

Cần có chính sách thu hút nhân lực cho y tế cơ sở

Quan tâm tới chính sách thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn tỉnh Lào Cai) cho rằng, cần quan tâm tới chính sách thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở. Theo đại biểu, hiện nay chính sách này chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực để tạo sức hút giữ chân đội ngũ bác sỹ trẻ có trình bộ và năng lực làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, dẫn đến nguy cơ người dân tại vùng sâu, vùng xa khó có khả năng tiếp cận với y tế.

Ngoài ra, đại biểu đề xuất Chính phủ cần đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, điều chỉnh tiêu chuẩn, tiêu chí của chính sách đào tạo cử tuyển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kể cả những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới để người học thuộc các vùng dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận với môi trường học tập, nhất là ngành y để có thể trở về hỗ trợ y tế tại cơ sở.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh)
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh)

Đồng thời, Chính phủ cần nâng phụ cấp trực cho nhân viên y tế, nâng phụ cấp nhân viên y tế thôn bản; cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ y tế cơ sở có thời gian công tác quá 5 năm tại vùng kinh tế khó khăn.

Cùng chung góc nhìn này, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Thành phố Hà Nội) cho rằng, hiện chế độ lương cho nhân viên y tế cơ sở được áp dụng từ năm 2004, đã gần 20 năm, chế độ phục cấp đều đã được áp dụng hơn 10 năm. Đại biểu đề nghị đưa các nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở.

Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85 về cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập, hiện nay đã hết hiệu lực. Vì vậy, rất cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về những vấn đề tự chủ và cơ chế tài chính cho lĩnh vực y tế. Trong đó chú trọng phân loại từng mức độ tự chủ một phần chi thường xuyên và cơ chế khuyến khích các đơn vị thực hiện tự chủ với trạm y tế.