Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng 7/1, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của quy hoạch. Theo đại biểu, quy hoạch tổng thể quốc gia, những vấn đề về mục tiêu, định hướng, quy mô phát triển của các ngành kinh tế cơ bản như công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp… theo 6 vùng kinh tế, xã hội như một số chỉ tiêu, quy mô nền kinh tế, cơ cấu kinh tế, sản lượng của các sản phẩm chủ lực trong công nghiệp… cần được trình bày cụ thể hơn nữa làm cơ sở thiết lập cơ cấu phát triển kinh tế cho từng tỉnh.
Bên cạnh đó, những vấn đề về định hướng phát triển vùng và liên kết vùng mới chỉ nêu lên thế mạnh ngành hàng và khu vực kinh tế theo vùng, nhưng chưa chỉ rõ quy mô ở cấp độ nào để xác định được mức độ, nhu cầu đầu tư, thu hút đầu tư tương ứng. Quy hoạch chưa chỉ ra được cụ thể các hình thức liên kết kinh tế vùng trên khía cạnh tổ chức sản xuất, làm cơ sở để các quy hoạch tỉnh lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, tránh tình trạng phát triển tương tự nhau về cơ cấu kinh tế.
Ngoài ra, về vấn đề cụm liên kết ngành, đại biểu cho rằng cần làm rõ khái niệm, định hướng liên kết, định hướng vai trò, trách nhiệm dẫn dắt, lan tỏa để các tỉnh làm cơ sở luận giải được vị trí, vai trò, mối liên kết vùng của địa phương mình đối với vùng, quốc gia, quốc tế, giúp các địa phương tiếp cận được các nguồn lực để thực hiện được các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Cùng quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quốc hội Luận (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) nhận thấy báo cáo mới chỉ đề cập đến định hướng và các nội dung phát triển kinh tế - xã hội của nội vùng, chưa thể hiện được mối quan hệ giữa các vùng với nhau, chưa có định hướng cũng như những nội dung cụ thể liên kết vùng.
Do đó, đại biểu đề nghị đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các định hướng và các nội dung lớn về liên kết vùng cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hoàn chỉnh đồng bộ liên kết vùng; có cơ chế điều phối quản trị vùng nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển vùng để tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên tỉnh, liên vùng.
Về các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể thì báo cáo đã có sự phân tích, đánh giá về một số chỉ mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trên một số ngành, lĩnh vực đến năm 2030, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị cơ quan soạn thảo căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và dự báo tình hình trong nước thế giới để xem xét cụ thể hóa các quan điểm, định hướng phát triển của đất nước bổ sung thêm các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để các địa phương làm căn cứ xây dựng quy hoạch tỉnh. Đồng thời làm cơ sở cho việc giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch.
Về định hướng phát triển hành lang kinh tế, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đề nghị bổ sung định hướng phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Theo đại biểu, trong dự thảo có nêu 3 hành lang kinh tế của khu vực phía bắc, gồm hành lang kinh tế Bắc – Nam, hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và từng bước hoàn thành hành lang kinh tế Điện Biên – Sơn La – Hòa Bình – Hà Nội. Đại biểu cho rằng định hướng như trên chưa tương xứng với tiềm năng về mạng lưới giao thông trong khu vực.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch định hướng phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Việc hình thành hành lang kinh tế này dựa trên cơ sở các tuyến đường bộ quan trọng và các tuyến đường sắt Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Quảng Ninh. Nếu hoàn thành, sẽ tăng cường liên kết vùng giữa các địa phương với các vùng phía bắc, kết nối các hành lang kinh tế khác, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của cả nước.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị sớm ưu tiên đầu tư phát triển tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn tốc độ cao để kết nối liên vận quốc tế, tận dụng lợi thế sẵn có, tạo động lực phát triển cho khu vực phía bắc, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.