Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐBQH: Cần quy định hoàn thiện hạ tầng trước khi bán nhà cho người dân

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thảo luận về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đề nghị bổ sung quy định chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trước khi bán nhà cho người dân.

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 29/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Xác định rõ nội hàm giữa nhà lưu trú và nhà ở của công nhân

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (Điều 90 và Điều 92) hiện còn có 2 loại ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khoá XV chiều 29/8/2023. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khoá XV chiều 29/8/2023. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đó, nhiều ý kiến tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình vì cho rằng phù hợp với chủ trương của Đảng về “Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp” (Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị), bảo đảm triển khai thuận lợi vì thủ tục đầu tư xây dựng rút gọn do đồng bộ với khu công nghiệp; gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; thuận tiện cho công nhân trong sinh hoạt, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, giảm ùn tắc giao thông...

Tuy nhiên, theo phương án này thì phải bổ sung các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, xác định rõ quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; sửa đổi Điều 19 của Luật Đầu tư để cho phép xây dựng các hạ tầng xã hội của khu công nghiệp trong hàng rào khu công nghiệp.

Một số ý kiến đề nghị không quy định việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp vì không bảo đảm thống nhất với Điều 19 và Điều 77 của Luật Đầu tư. Việc xây dựng nhà lưu trú công nhân cần hạn chế đưa vào khu công nghiệp để bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự trong khu công nghiệp.

Thời gian qua, Nhà nước ta thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh ra khỏi khu dân cư để chống ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nếu dự thảo Luật quy định công nhân sinh sống trong khu công nghiệp, cạnh các cơ sở sản xuất thì không phù hợp với chủ trương nêu trên. Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định phải xây dựng “nhà ở” cho công nhân khu công nghiệp chứ không phải “nhà lưu trú”, đồng thời, Nghị quyết cũng không xác định cụ thể vị trí xây dựng “nhà ở” cho công nhân phải ở “trong khu công nghiệp”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ảnh: Daibieunhandan
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ảnh: Daibieunhandan

Nhiều dự án nhà ở thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội

Thảo luận về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá cao hồ sơ Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này; trong đó có báo cáo Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”. Đây là một trong những vấn đề là điểm nghẽn khi thực hiện Luật tại các đô thị lớn. Đại biểu cũng nhất trí về 5 nguyên tắc khi tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật như Ủy ban Pháp luật đề ra.

Về hình thức sử dụng đất được đầu tư dự án nhà ở thương mại, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai tán thành quy định của dự thảo luật do Chính phủ trình, quy định đã thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Việc tháo gỡ, cho phép một số loại đất khác được làm dự án nhà ở thương mại trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện về quy hoạch, vốn, năng lực, kinh nghiệm, sẽ thúc đẩy và giải phóng nguồn lực từ đất đai, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

“Tuy vậy, tôi thống nhất với ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cần quy định nội dung này tại Luật Đất đai (sửa đổi) để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục các điểm xung đột, chồng chéo trong thực tiễn. Thực tế hiện nay trên địa bàn các tỉnh, thành phố trên cả nước có dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị, khi thực hiện GPMB vướng mắc “đất công” nằm xen kẹt dự án nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án. Tại dự thảo Luật, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, quy định cụ thể hướng xử lý trong trường hợp đất “đất công” nằm xen kẹt trong phạm vi ranh giới dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị” đại biểu nói.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai chia sẻ thực tiễn có nhiều dự án nhà ở thương mại được đầu tư xây dựng 20 năm nay, đã bán cho người dân ở lấp đầy, nhưng thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, như trường học, bệnh viện, bãi đỗ xe... Điều này gây khó khăn cho người dân và quản lý của chính quyền địa phương. Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật, ngoài nội dung quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án phải xây dựng nhà ở và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch, nội dung và tiến độ dự án đã được phê duyệt; trường hợp dự án có phân kỳ đầu tư thì phải thực hiện xây dựng theo đúng phân kỳ đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định bảo đảm đồng bộ và tiến độ theo quyết định của cấp có thẩm quyền và hoàn thành trước khi bán nhà cho người dân.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cũng đề nghị bỏ nội dung “Trường hợp tái định cư theo hình thức mua, thuê mua nhà ở xã hội thì người được tái định cư được ưu tiên bố trí nhà ở xã hội không phải qua hình thức bốc thăm”, vì thực tế trong các tòa nhà chung cư sẽ có những vị trí được nhiều người lựa chọn và vị trí nhiều người không muốn chọn, nên nếu không có hình thức bốc thăm sẽ không giải quyết được vấn đề này, dễ phát sinh tiêu cực.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đối với thời hạn sử dụng nhà chung cư, đại biểu cho rằng, với tính chất đô thị lớn, để phát huy hiệu quả sử dụng đất, việc phát triển xây dựng các khu đô thị, nhà ở chung cư theo chiến lược phát triển đô thị là tất yếu. Việc đa dạng các loại hình chung cư, phù hợp với thu nhập và xu thế phát triển cần cân nhắc quy định về thời hạn sử dụng chung cư tương ứng quy chuẩn, chất lượng để khi các nhà chung cư xuống cấp với hàng trăm, hàng ngàn căn hộ (thật sự rất khó thỏa thuận) thì có căn cứ để nhà nước thu hồi đất.

Đối với vấn đề cải tạo chung cư cũ trong dự thảo Luật, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai tán thành nội dung quy định đối với các chung cư cũ (xây dựng trước năm 1994) thì tiếp tục thực hiện áp dụng hệ số K bồi thường căn hộ; đối với chung cư xây dựng sau năm 1994 thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà ở chung cư và được nộp kinh phí này theo tiến độ dự án hoặc sau khi bàn giao căn hộ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Nếu không đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư thì được bồi thường quyền sử dụng đất, giá trị nhà ở (còn lại) nếu có theo quy định của Chính phủ.

Quy định cụ thể hơn một số nội dung về tiêu chí chất lượng nhà ở

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đánh giá quy định về nhà lưu trú công nhân là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn tỉnh Bến Tre) đề nghị, cần làm rõ nhà lưu trú công nhân có được xem là nhà ở hay không, và nếu không thì cần xem xét lại vì có thể nội dung này nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, đối với nội dung về xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, trước hết cần tách riêng nội dung về xây dựng nhà ở xã hội và nội dung xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thành hai điều riêng. Bởi, hai nội dung này hoàn toàn khác nhau, không nên gộp chung như dự thảo Luật hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cũng lưu ý, cần xác định rõ nội hàm giữa nhà ở của công nhân và nhà lưu trú của công nhân.

Cơ bản nhất trí với Điều 26 đến Điều 29 trong dự thảo Luật về chiến lược phát triển nhà ở, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Đinh Thị Phương Lan (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi) đề nghị, cần quy định cụ thể hơn một số nội dung về tiêu chí chất lượng nhà ở, diện tích bình quân đối với từng loại nhà ở thương mại xã hội, công vụ phục vụ tái định cư, nhà ở theo chương trình mục tiêu quốc gia, nhà lưu trú công nhân để phù hợp với đặc thù địa hình, mật độ dân cư, thiết chế văn hóa tổng thể và hạ tầng kinh tế kỹ thuật của đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo… Đồng thời, đề nghị làm rõ nhà lưu trú công nhân thuộc loại hình nào trong 6 loại hình được quy định tại Điều 31 dự thảo Luật.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu giải trình, tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu Quốc hội và ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan, các tổ chức hữu quan để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6.