ĐBQH chất vấn về xử lý trách nhiệm khi bỏ lọt sai phạm trong kiểm toán

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên chất vấn sáng 5/6, đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm tới việc phương án xử lý trách nhiệm khi bỏ lọt sai phạm qua kiểm toán; giải pháp khắc phục chồng chéo giữa kiểm toán và thanh tra...

Khuyến nghị để hạn chế sai phạm khi triển khai dự án

Đại biểu Quốc hội Hà Đức Minh (Đoàn tỉnh Lào Cai) cho biết, qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện rất nhiều những tồn tại, hạn chế, sai phạm của các doanh nghiệp, các dự án đầu tư... Đại biểu đề nghị Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết, trong trường hợp khi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán không phát hiện ra sai phạm nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện ra sai phạm thì trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong trường hợp này sẽ như thế nào? Sẽ xử lý trách nhiệm của cá nhân hay xử lý trách nhiệm của cơ quan?.

Đại biểu Quốc hội Hà Đức Minh (Đoàn tỉnh Lào Cai) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Hà Đức Minh (Đoàn tỉnh Lào Cai) - Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời câu hỏi này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra. Trong trường hợp cơ quan thanh tra, điều tra không phát hiện sai phạm mà đến khi cơ quan chức năng vào làm tiếp mà phát hiện ra sai phạm thì tại Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định rất là cụ thể.

Đối với những báo cáo kiểm toán đã phát hành mà không phát hiện sai phạm nhưng đến khi cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung, cùng kiểm toán, phát hiện ra sai phạm thì cần phải làm rõ trách nhiệm. Nếu có lỗi, tùy theo mức vi phạm để xử lý theo trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính. "Đây là quy định rất rõ về trách nhiệm. Khi phát hiện ra sai phạm, theo quy định của Luật thì phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể..."- Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết.

Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết những sai phạm tập trung nhiều nhất ở khâu nào khi kiểm toán các dự án? Kiểm toán Nhà nước đã có khuyến nghị như nào đối với các chủ dự án để hạn chế xảy ra những sai phạm?.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, thông thường để tiến hành kiểm toán các dự án đầu tư có sử dụng vốn tài chính công, Kiểm toán Nhà nước tuân thủ các luật pháp liên quan từ khâu chuẩn bị dự án đến khâu tổ chức triển khai.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn

Ở khâu chuẩn bị dự án, Kiểm toán Nhà nước sẽ đánh giá việc phê duyệt chủ trương đầu tư, thiết kế dự án đúng quy hoạch, đúng chủ trương, đúng chiến lược hay không, tiêu chuẩn định mức có đúng, phù hợp không, bố trí vốn kế hoạch có đúng không; việc lựa chọn nhà thầu, quy trình, thủ tục đấu thầu, kí kết hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu có đúng với hồ sơ thầu đã kêu gọi hay không, có sai phạm gì, triển khai thực hiện, ứng vốn, thu hồi vốn, kiểm soát tiến độ, thanh quyết toán… Do đó, Kiểm toán Nhà nước rà soát tất cả các nội dung này.

Với mỗi dự án có sai phạm khác nhau, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra kiến nghị, có kiến nghị xử lý tài chính vì không có trong thanh toán, các khoản chi không phù hợp và đề nghị kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan. Đồng thời cũng kiến nghị sửa đổi pháp luật có liên quan.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 5/6
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 5/6

Giải pháp khắc phục chồng chéo giữa kiểm toán và thanh tra

Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội cũng quan tâm tới giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo giữa kiểm toán và thanh tra.

Đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan (Đoàn tỉnh Hà Giang) cho biết, năm 2021, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã ký kết quy chế phối hợp nhằm hạn chế trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và thanh tra. Tuy nhiên, trên thực tế từ năm 2020 đến nay cho thấy, tình trạng chồng chéo về đối tượng hoặc nội dung giữa Kiểm toán Nhà nước và thanh tra chuyên ngành, thanh tra địa phương vẫn diễn ra. Do đó, đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này?.

Cùng quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết các giải pháp để khắc phục tình trạng chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán trong thời gian tới?.

Đại biểu tham gia phiên chất vấn sáng 5/6
Đại biểu tham gia phiên chất vấn sáng 5/6

Liên quan đến vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, theo quy định của Luật Thanh tra Chính phủ, trên cơ sở báo cáo kế hoạch kiểm toán đã được thống nhất với Thanh tra Chính phủ, khi đó Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn thanh tra bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch để hạn chế việc chồng chéo, trùng lắp.

Thời gian gần đây Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra phương châm của hoạt động kiểm toán là gọn nhưng chất lượng, tập trung vào kiểm toán quyết toán, tập trung vào các chuyên đề phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội và HĐND, nhằm hạn chế được các đoàn đầu mối kiểm toán chi tiết, do đó, giảm được sự chồng chéo, trùng lắp với các cơ quan thanh tra.

Thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ, rà soát lại Chỉ thị 1618/CT-KTNN và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức triển khai, giảm thiểu trùng lắp và chồng chéo giữa các hoạt động thanh tra và kiểm toán.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn TP Hà Nội) chất vấn
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn TP Hà Nội) chất vấn

Quan tâm tới kết quả ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn TP Hà Nội) đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết đã triển khai quy định này chưa và quan điểm của Tổng kiểm toán về vấn đề này trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, đến nay chưa thực hiện nội dung này, đến thời điểm nào đó sẽ thực hiện theo yêu cầu của Quốc hội.