Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 25/5 Quốc hội đã thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả Giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Không ít cán bộ né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm
Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) đánh giá, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, đã đưa nước ta mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường…
Nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế cũng như nguyên nhân, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, trong số những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế do các văn bản hướng dẫn phân bổ vốn, trình tự thủ tục giải ngân còn phức tạp. Việc áp dụng cơ chế đặc thù có việc còn vướng mắc và không ít cán bộ có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát cũng như hiệu quả của Nghị quyết 43/2022/QH15 và các nghị quyết khác của Quốc hội. Tuy nhiên, về những tồn tại, hạn chế khi triển khai các nghị quyết, đại biểu bày tỏ quan ngại về tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
"Để ngăn chặn nạn dịch né tránh, sợ trách nhiệm tiếp tục tồn tại thì các cấp, các ngành cần chỉ ra và thực thi kỷ luật những ai đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân có tinh thần dám làm, dám chịu" - Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu.
Phân cấp, phân quyền, phân nguồn lực gắn với trách nhiệm của các địa phương
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Đoàn tỉnh Bình Thuận) bày tỏ thống nhất với những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình mà báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu. Đại biểu nhấn mạnh, nguyên nhân chủ yếu là yếu tố con người, bởi con người là chủ thể đề xuất ban hành chính sách; cũng chính con người thực thi và triển khai chính sách trong thực tế.
“Hiện nay có tình trạng đùn đầy trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến việc giải quyết công việc chưa hiệu quả”- đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu rõ, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến.
“Có phải chúng ta chưa có cơ chế xử lý, đánh giá cán bộ công chức hay chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Theo tôi là không phải chúng ta đã có nhiều văn bản của Đảng và của Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và chúng ta đã có kết luận 14 của Trung ương, Nghị định 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cán bộ dám dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, vậy thì từ nguyên nhân nào?” - đại biểu trăn trở.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có đánh giá một cách căn cơ, tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thật sự hiệu quả, trong đó có việc khảo sát, đánh giá lại việc thực hiện Nghị định 73/2023/NĐ-CP từ khi ban hành cho đến nay có cơ quan, đơn vị, địa phương nào đã áp dụng thực hiện và đem lại hiệu quả, để từ đó nhân rộng. Còn nếu qua khảo sát, đánh giá vẫn còn vướng mắc các địa phương, đơn vị chưa áp dụng thì cần có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng trên.
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 43/2022/QH15, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) đã đề xuất một số giải pháp, trong đó có tiếp tục phân cấp, phân quyền, phân nguồn lực gắn với trách nhiệm cho các địa phương trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, khắc phục sự rườm rà về thủ tục hành chính, tăng hiệu quả chất lượng công việc.