Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐBQH đề nghị có giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh giảm

Vân Hà - Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/10, thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại khi Việt Nam đã qua thời kỳ dân số vàng, trong khi đó tỉ lệ sinh ở một số khu vực lại ở mức thấp.

 Lo ngại hệ luỵ của cơ cấu dân số già

Ngày 26/10, thảo luận về tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (đoàn TP Hà Nội) cho biết, Việt Nam hiện đã qua giai đoạn dân số vàng. Ở khu vực thành thị tỉ lệ giảm sinh tương đối lớn do các gia đình không đủ điều kiện kinh tế, nhà ở, thu nhập nên không dám sinh con.

Cảnh báo tình trạng già hóa dân số ở một số quốc gia hiện nay, đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ, dài hạn để giải quyết toàn diện vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) nêu ý kiến tại buổi thảo luận tổ - Ảnh: Thái An
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) nêu ý kiến tại buổi thảo luận tổ - Ảnh: Thái An

Cùng quan tâm tới mức sinh giảm, đại biểu Quốc hội Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, hiện nay một số vùng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tây Nam Bộ có mức sinh thấp. Đây là vấn đề cần quan tâm, đề nghị Chính phủ nên đánh giá mức độ cụ thể tại từng địa phương để có giải pháp phù hợp, nếu không sẽ mắc phải tình trạng già hóa dân số như một số quốc gia trên thế giới.

"Quan điểm để thay đổi mức sinh cần thay đổi từ chính sách kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Phải khuyến khích các gia đình sinh đủ số con" - đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu.  

Bên cạnh đó, theo đại biểu cần quan tâm đến chất lượng dân số, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, béo phì, thừa cân, tình trạng mắc bệnh lứa tuổi học đường. Cải thiện sức khỏe từ trẻ em đến người già để đạt được cần có chiến lược quan trọng nêu trong báo cáo của Chính phủ.

Không nên tính số lượng giường bệnh, thay bằng chất lượng

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng quan tâm tới việc thực hiện các chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) đề nghị trong mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 cần chú trọng tới nâng cao nâng cao chất lượng khám chữa bệnh chứ không phải số lượng giường bệnh/vạn dân.

"Xu hướng chung trên thế giới không hướng đến số giường bệnh kê được mà hướng tới làm sao chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân tốt để mọi người không cần phải đến bệnh viện" - đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nói. Vì vậy, đại biểu đề xuất nên thay chỉ tiêu giường bệnh bằng chỉ tiêu chuyển đổi số trong ngành y tế để hướng tới đưa Việt Nam trở thành nước có nền y tế tiên tiến trên thế giới.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại buổi thảo luận tổ - Ảnh: Thái An
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại buổi thảo luận tổ - Ảnh: Thái An

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Anh Trí về vấn đề chuyển đổi số trong y tế, không tính chỉ số giường bệnh/vạn dân mà tính đến chất lượng khám chữa bệnh, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng: "Chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân không còn phù hợp tại thời điểm hiện nay mà chúng ta phải quan tâm tới chất lượng điều trị và sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiến bộ của y tế để giảm ngắn thời gian điều trị, thời gian nằm viện người bệnh".

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, vấn đề chuyển đổi số cần thiết thực hơn nữa và có giải pháp thực tiễn. Ví dụ như vấn đề khám chữa bệnh từ xa, giảm tải cho tuyến trên, tăng cường năng lực cho tuyến dưới. Trong lĩnh vực này cần có quy định cụ thể và cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế cũng như khám chữa bệnh y học gia đình.

Cùng đó là sự liên thông giữa các bệnh viện trên địa bàn về kết quả xét nghiệm, khám lâm sàng. Bộ Y tế cần ban hành chuẩn liên thông, dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh nhằm tiết kiệm cho cơ sở y tế cũng như người bệnh...

Đối với tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập trong thời gian qua, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế cần nhận định khách quan nguyên nhân, thực trạng; đồng thời có giải pháp quyết liệt trong thời gian tới để hướng tới phục vụ người dân; cũng như bảo đảm quyền lợi của người bệnh có bảo bệnh bảo hiểm y tế được khám chữa bệnh.