Theo các đại biểu, hoạt động rửa tiền tác động rất lớn đến mức độ an toàn của nền kinh tế, tài chính, kinh tế quốc gia nên việc phòng, chống rửa tiền là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, bao gồm các biện pháp và hoạt động có thể thực hiện để có thể ngăn chặn các hành vi rửa tiền được sử dụng dưới bất cứ hình thức nào. Đồng thời nhấn mạnh, phòng, chống rửa tiền là yêu cầu cấp bách và cũng là thách thức đối với nước ta, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Có thị trường ngầm về tiền ảo, nguy cơ rửa tiền rất lớn
Qua thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng chống rửa tiền nói riêng, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua nổi lên qua là hoạt động liên quan đến thông tin, giấy tờ giả để mở tài khoản hay thuê người khác mở tài khoản, sau đó bán lại cho đối tượng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Mục đích là nhằm che giấu thông tin về tài sản của cá nhân, tổ chức quản lý sở hữu tài sản, gây khó khăn, tránh né công tác khám nghiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy đây là vấn đề rất quan trọng, nếu nhận diện, xác định rõ đối tượng quản lý sử dụng tài khoản sẽ triệt tiêu được giả mạo tài khoản.
Theo đại biểu, cần có cơ chế phối hợp đối chiếu thông tin tài khoản ngân hàng, tài khoản trung gian thanh toán khi đăng ký mở tài khoản với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phòng tránh các trường hợp sử dụng tài khoản giả.
Tổ chức cung cấp tài khoản dịch vụ ngân hàng điện tử giao dịch điện tử phải có đầy đủ đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện nhận diện và xác thực thông tin người dùng.
Cần đưa hành vi mua bán tài khoản, sử dụng thông tin hoặc giấy tờ giả để mở tài khoản vào diện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại để tạo cơ sở, căn cứ pháp lý, chế tài xử lý đối với hoạt động trên, từ đó tạo sự răn đe với các cá nhân và tổ chức khác.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hải Trung cũng đề nghị cần bổ sung thêm một điều luật quy định riêng về trách nhiệm của Bộ TN&MT trong công tác phòng, chống rửa tiền. Cụ thể cần có quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ trong công tác quản lý, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn như trách nhiệm của các Văn phòng quản lý đất đai để phát hiện giao dịch đáng ngờ liên quan đến nhiều cá nhân sở hữu nhiều bất động sản lớn không phù hợp với thu nhập.
Cho rằng cần có quy định về quản lý tài sản ảo, tiền ảo, dịch vụ công nghệ tài sản, đại biểu Nguyễn Hải Trung nói: “Mình không thừa nhận tiền ảo, tiền điện tử, kỹ thuật số nhưng thực tế hiện nay đang có thị trường ngầm, hoạt động rất sôi động, rất mạnh. Qua phương thức hoạt động của các đối tượng lừa đảo thông qua tiền ảo để rửa tiền”.
Đại biểu Hoàng Thị Đôi (đoàn tỉnh Sơn La) cũng cho rằng, tuy pháp luật chưa công nhận các loại tiền này nhưng thực tế nhiều người tham gia vào hoạt động các sàn tiền ảo và hậu quả là không ít người bị mất tiền. "Xét ở khía cạnh nào đó đang tồn tại thị trường giao dịch bằng tiền ảo, và kinh tế sẽ có tiền thật, tài sản thật của người dân bị thiệt hại mà không có cách nào kiểm soát" – đại biểu nói.
Đồng thời, đề nghị quy định khung pháp lý để kiểm soát toàn bộ hình thức chuyển đổi, thoả thuận trao đổi tiền qua công cụ mã hoá trên mạng (tiền ảo, tiền số...) nhằm phòng chống rửa tiền và các tội phạm có liên quan.
Dẫn giải thích từ ngữ “Giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo” là giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày, có tổng giá trị bằng hoặc vượt mức do Thủ tướng Chính phủ quy định, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng hiện nay còn có tiền ảo giao dịch trên nền tảng onlline đang rất phổ biến nhưng chưa được kểm soát.
Trong khi đó, loại tài sản này sẽ ngày càng phát triển trong quá trình hội nhập và có thể là điều kiện thuận tiện cho rửa tiền mà ta chưa lường hết được. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ “và các giao dịch khác” vào giải thích nêu trên.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho rằng nếu không có chế tài với tiền ảo thì có thể tạo kẽ hở cho rửa tiền.
Xem xét tăng mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo lên 500 triệu đồng
Một trong những nội dung khác được nhiều đại biểu quan tâm là các quy định về giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn TP Hà Nội) cũng nêu, quy định “Cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản hoặc tài sản có nguồn gốc từ tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của cá nhân đó hoặc cá nhân, tổ chức liên quan tới cá nhân đó trong hoặc sau thời gian thực hiện hành vi phạm tội” Dự Luật còn một số hạn chế. Do đó, đại biểu đề nghị khi chỉnh lý nội dung này cần lưu ý để không sót lọt giao dịch đáng ngờ phải báo cáo liên quan đến tài sản của pháp nhân. “Nếu quy định theo hướng tất cả các giao dịch có tài sản liên quan đến tất cả tội phạm và đối tượng tính cả người bị bắt, bị tạm giữ, bị kết án chấp hành án đều bị coi là giao dịch đáng ngờ là mở quá rộng đến mức bất hợp lý”- đại biểu nói.
Liên quan tới quy định giao dịch có giá trị lớn, đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn tỉnh Khánh Hòa) kiến nghị, nên quy định cụ thể mức ngày trong tuần để dễ theo dõi, thực hiện và bảo đảm giá trị pháp lý. Trường hợp cần thiết thì mới giao cho Chính phủ, không nên giao cho Thủ tướng Chính phủ thay đổi mức này. Thực tế quy định mức giao dịch có giá trị lớn được Thủ tướng Chính phủ quy định trong 10 năm vừa qua cũng không thay đổi. Hiện nay mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng. Vì vậy, có thể xem xét tăng mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo có thể là 500 triệu đồng.
Giao Chính phủ quy định chi tiết
Giải trình vấn đề đại biểu nêu ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, quá trình xây dựng luật để đáp ứng khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính và đánh giá của Nhóm đánh giá châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền tại báo cáo đánh giá đa phương.
Quá trình soạn thảo, từ thực tiễn nhu cầu quản lý nhà nước về phòng chống rửa tiền, cơ quan này đã đề xuất bổ sung tổ chức cung cấp dịch vụ tiền ảo, tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và cho vay trên nền tảng công nghệ... vào đối tượng báo cáo rửa tiền.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa công nhận tài sản ảo, tiền ảo, nên sau khi rà soát tính khả thi, sẽ chưa Luật hóa. Thay vào đó, Dự Luật điều chỉnh lại theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền (gồm tiền ảo, tài sản ảo, đấu giá tài sản, vật có giá trị lớn...), sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, năm 2017, Thủ tướng ban hành Quyết định 1255 phê duyệt đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”. Bộ Tư pháp được giao chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng về tiền ảo và lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tiền ảo, tài sản ảo.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính làm đầu mối triển khai nhiệm vụ “xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tiền ảo, tài sản ảo” và triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn giao dịch của các sàn giao dịch tài sản ảo, tiền ảo.
Về ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định liên quan tới kiểm soát khách hàng giao dịch không qua ngân hàng, bởi thực tế nhiều giao dịch dùng tiền mặt để trao đổi để tránh bị thu thuế (giao dịch mua nhà, mua bất động sản...).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải thích, kiểm soát thanh toán không dùng tiền mặt không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống rửa tiền. Thay vào đó các giao dịch này được rà soát, quy định tại các luật chuyên ngành, như Luật Kinh doanh bất động sản...