Bố trí tái định cư phù hợp phong tục tập quán khó khả thi
Dự thảo Luật trình ra kỳ họp lần này đã quy định cụ thể các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc phòng đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp. Theo đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang), việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.
Ngược lại với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, Dự thảo Luật quy định khu tái định cư phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kĩ thuật, đường giao thông bảo đảm kết nối, hạ tầng xã hội bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giáo dục.., phù hợp vơi điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền…. Tuy nhiên, với quỹ đất hiện nay thì khó có khu tái định cư nào đủ 3 điều kiện trên. Nếu quy định cứng trong Luật, vấn đề bồi thường tái định cư trở nên khó khả thi, nhất là các thành phố lớn.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, việc bố trí tái định cư phải phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền là rất khó khả thi. Bởi lẽ phong tục tập quán là điều đặc trưng không địa phương nào giống địa phương nào, có người được bố trí tái định cư ngay tại địa phương nhưng cũng có người phải tái định ở nơi khác. Do đó Dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc căn bản, có tính khả thi và không quy định cứng.
Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị rà soát liên quan đến định nghĩa “tái định cư” trong Dự thảo Luật, khái niệm về “người không có chỗ ở nào khác”.
Cần nhất quán nguyên tắc bồi thường giá đất
Liên quan đến vấn đề bồi thường, tái định cư, thu hồi đất thực hiện dự án, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) cho rằng, cần quán triệt nguyên tắc nhất quán bồi thường giá đất theo nguyên tắc chỉ bồi thường giá trị đất theo mục đích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tất cả thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ giá trị gia tăng từ đất do Nhà nước đầu tư.
Theo đại biểu, Nhà nước bên cạnh thực hiện quy hoạch đối với dự án đất ở đất thương mại đất khu đô thị, phải đứng ra giải phóng mặt bằng. Nhà nước định ra không gian gần như 1 sản phẩm quy hoạch để tiến hành đấu giá đất, đấu giá dự án. Tiền thu được phục vụ thu hồi chi phí nhà nước đầu tư cho quy hoạch chi tiết, kết nối hạ tầng (thực chất đây là đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư), chi phí bồi thường tái định cư, đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ lợi ích chung. Đồng thời, không phân biệt dự án công, dự án tư, tránh tình trạng 2 giá, bất bình đẳng dễ nảy sinh mâu thuẫn.
Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị, xác định phương pháp bồi thường, vấn đề lựa chọn phương án phù hợp với từng loại đất và có nguyên tắc trong Luật. Theo đó đất ở gắn với quyền tài sản, tài sản trên đất cần áp dụng phương pháp so sánh thị trường, thậm chí là phương pháp thặng dư. Đất sản xuất thì lấy phương pháp thu nhập kết với phương pháp khấu trừ… Nếu xác định được trong Luật những nguyên tắc đó thì Chính phủ có cơ sở hướng dẫn thực hiện.
Góp ý về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn đại biểu Quốc hôi tỉnh Nam Định) đề nghị, làm rõ các trường hợp thu hồi đất là trường hợp gì và những cơ quan nào sẽ quyết định bởi Luật, phải rõ ràng, khách quan, minh bạch - nhất là trường hợp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Đại biểu cho rằng, trường hợp mà chưa làm rõ được, sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung sau theo thủ tục rút gọn. Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các khoản 1 đến khoản 31 Điều này.