Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐBQH: Thu hồi đất cho mục đích gì cũng phải có yếu tố “thật cần thiết”

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 14/11, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, các quy định liên quan đến thu hồi đất được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Chưa thể hiện được điều kiện “thật cần thiết” khi thu hồi đất

Theo đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (đoàn tỉnh Nam Định), Hiến pháp quy định Nhà nước được quyền thu hồi đất, nhưng phải đủ các điều kiện: “thật cần thiết”, theo luật định và vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. “Điều đó có nghĩa, dù thu hồi đất cho mục đích gì thì phải có yếu tố “thật cần thiết” và luật phải quy định, tuy nhiên, Dự Luật chưa thể hiện được điều này”- đại biểu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu cũng nhận định, thời gian qua thường là tự thuyết minh về sự “cần thiết” của từng dự án, điều đó dễ dẫn đến thực hiện theo ý muốn chủ quan, dễ tạo sự lạm dụng thu hồi đất tràn lan. Nhiều dự án sau khi được thu hồi đất thì 10 năm sau chưa triển khai, hoặc triển khai dở dang, không giữ được mục đích của thu hồi đất ban đầu. Yếu tố “thật cần thiết” chưa được quan tâm.

Từ đó, đại biểu đề nghị quy định ngay trong Dự Luật các tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là “thật cần thiết” và luật không làm được điều này thì chưa thực hiện đúng quy định của Hiến pháp.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong việc thu hồi đất, Nhà nước phải đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của 3 bên: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, trong đó, cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất, vì họ ở thế bị động.

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (đoàn tỉnh Nam Định) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (đoàn tỉnh Nam Định) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

“Người dân bị thu hồi đất đã thiệt thòi mà còn không được thoả thuận thì còn thiệt thòi hơn” – đại biểu bày tỏ quan điểm. Đồng thời đề nghị rà soát kỹ, đánh giá tác động các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, vì dự thảo lần này có mở rộng thêm các trường hợp thu hồi đất, hoặc mở rộng phạm vi hơn, thậm chí quy định lỏng lẻo, chung chung hơn so với các trường hợp đã quy định trong luật hiện hành.

Cũng liên quan đến quy định thu hồi đất, đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh (đoàn tỉnh Nghệ An) quan tâm tới các trường hợp nhà nước thu hồi đất. Đại biểu cho rằng, đây là một trong lĩnh vực có nhiều khiếu nại, do các quy định liên quan đến lĩnh vực này còn bất cập, chưa giải quyết được mối quan hệ hài hòa giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất.

Từ phan tích thực tiễn giống đại biểu cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này cần khắc phục những bất cập đang có trong luật hiện hành, đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất. Đại biểu chỉ rõ, Điều 86 của Dự Luật có quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. So với Luật hiện hành thì quy định có phạm vi mở rộng hơn, nhưng chưa rõ ràng về mục đích, chưa nổi bật tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải thu hồi. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thêm về nội dung này.

Đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh (đoàn tỉnh Nghệ An) thảo luận tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh (đoàn tỉnh Nghệ An) thảo luận tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết của Trung ương, đại biểu đề nghị cần làm rõ các điều kiện, tiêu chí cụ thể của các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng so với các dự án vì lợi ích kinh tế thuần túy, làm rõ phương án bồi thường đất thỏa đáng để đảm bảo việc thu hồi đất, đặc biệt là ở khu đô thị, khu dân cư diễn ra minh bạch, công bằng.

“Tự thỏa thuận” giới hạn ở mức độ nào?

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn tỉnh Kon Tum) nêu quan điểm, người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế- xã hội cho lợi ích của cộng đồng, nhà nước; nhưng sẽ không chấp nhận thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc một nhóm người nhưng lại áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở cho trục lợi, lợi ích nhóm. Sửa đổi Luật Đất đai lần này cần phải khắc phục được vấn đề trên.

Đại biểu cho rằng, một điểm quan trọng là cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Ở đây cần nhìn nhận rằng lợi ích quốc gia thu được từ việc thu hồi đất là mang tính lợi nhuận cho Nhà nước, còn lợi ích công cộng thì mang tính xã hội, không mang tính lợi nhuận.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn tỉnh Kon Tum) nêu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn tỉnh Kon Tum) nêu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn

Cùng với đó, đại biểu Tô Văn Tám cũng cho rằng, khi nói tới thu hồi đất tức là việc chính quyền thu hồi đất đai của chủ thể này trao cho một chủ thể khác bằng một mệnh lệnh hành chính, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, lạm quyền, gây bức xúc. Bởi vậy nên chăng xem xét cách tiếp cận theo hướng những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh, của cả nước, hoặc các công trình công cộng thì thu hồi. Các dự án phát triển kinh tế đơn thuần thương mại theo quy hoạch, mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thoả thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong quá trình thương lượng đó có sự tham gia của chính quyền với tư cách là chủ thể quản lý đất đai.

Nhấn mạnh việc thể chế hoá tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương về tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho rằng, cần nhận thức rõ “tự thoả thuận” giới hạn ở mức độ nào và những vấn đề gì, là quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay là về giá đất; nếu cần thiết thì lấy ý kiến rộng rãi hơn để tổng kết thực tiễn.

Dẫn ra thực tế đất ở cùng khu vực, Nhà nước thu hồi đất thì đền bù theo giá Nhà nước, song theo thoả thuận với doanh nghiệp thì thường giá cao hơn, chính điều này phát sinh so bì, khiếu nại phức tạp, đại biểu hco rằng, cần thể chế hóa quan điểm về “tự thoả thuận” như tinh thần nghị quyết của Trung ương.

Tuy nhiên, phải thống nhất một mức giá để đảm bảo công bằng, minh bạch, khách quan. Cơ chế thoả thuận cũng như vai trò Nhà nước trong vấn đề này thế nào cũng cần làm rõ.

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Tranh luận với nhiều đại biểu liên quan đến thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Quốc hội Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) cho rằng, nếu doanh nghiệp thoả thuận được với người dân thì rất tốt, song thực tế như ở địa phương rất khó thực hiện, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư khi bỏ ra số tiền rất lớn nhưng không thực hiện được dự án do người dân đòi đền bù rất cao, cao hơn so với người được đền bù trước đó, có người giá nào cũng không chịu. Giá thoả thuận cũng gây mâu thuẫn vì có người được trả cao, người được trả thấp.

Theo đại biểu, khi thu hút nhà đầu tư, Nhà nước cần có mặt bằng sạch nhưng với cơ chế thoả thuận thì khó thực hiện. Theo ông, Nhà nước có thể thu hồi đất nhưng giá đền bù phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Phát biểu tranh luận về hướng giải quyết ách tắc khi không thực hiện được thoả thuận, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (đoàn tỉnh Quảng Nam) đưa ra một thực tế nhà đầu tư không thỏa thuận được với người dân, trong khi cộng đồng khu dân cư đã đồng thuận.

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (đoàn tỉnh Quảng Nam)
Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (đoàn tỉnh Quảng Nam)

Đại biểu nêu rõ đây là một thực tế nhưng chưa đưa ra được hướng giải quyết. Sự thỏa thuận trên tinh thần thương lượng là cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người dân.

Theo đại biểu, nguyên nhân của vấn đề không hẳn do người dân đòi hỏi giá quá cao mà bản chất là việc xác định giá đất chưa được quy định cụ thể. Do đó, Luật Đất đai (sửa đổi) phải giải quyết được vấn đề phát huy nguồn lực, phát huy quyền sử dụng đất và phải thương mại hóa quyền sử dụng đất. Đồng thời cũng sử dụng quyền năng của chủ sở hữu về đất đai của Nhà nước để giải quyết được việc cản trở nguồn lực đất đai.

Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu xem xét thêm quy định về thẩm quyền thu hồi đất tại Điều 90, Điều 93 quy định về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đại biểu lý giải, quy định hiện hành dường như giao cho cấp xã trọng trách quá nặng. Cấp tỉnh, cấp huyện ra quyết định thu hồi đất nhưng cấp xã phải tổ chức họp dân để phổ biến, thuyết phục, vận động. Cấp xã là cấp hành chính thấp nhất và không đơn giản để nắm rõ, hiểu thấu đáo, đầy đủ nội dung của các dự án để giải thích, thuyết phục, vận động người dân, mặc dù đây là cấp gần dân nhất.