Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐBQH: Thu hồi đất dự án thương mại nên để dân và DN tự thương lượng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi–Sáng 3/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, các quy định liên quan đến thu hồi đất được đại biểu quan tâm và đề xuất để các dự án kinh tế-xã hội cho người dân và nhà đầu tư tự thương lượng theo giá thị trường.

Quy định rõ hơn tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội

Thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (đoàn tỉnh Trà Vinh) đồng tình với một số nội dung nêu trong Điều 86 của Dự thảo về các trường hợp thu hồi đất cụ thể, nhằm tạo thuận lợi trong thực hiện dự án cũng như sự ủng hộ của người dân đối với việc thu hồi đất. Tuy nhiên, tán thành với với quan điểm của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra, đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc việc quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Đại biểu cho rằng, việc thực hiện dự án nhà ở thương mại, mục tiêu đầu tiên mà chủ đầu tư hướng tới là lợi nhuận. Trong khi đó, Dự Luật lại cho thu hồi để thực hiện dự án loại này có nguy cơ dẫn đến doanh nghiệp lợi dụng, kéo theo khiếu nại, khiếu kiện.

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (đoàn tỉnh Trà Vinh)
Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (đoàn tỉnh Trà Vinh)

Đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt tinh thần của Nghị quyết 18, đó là thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại. Đề nghị các dự án có nguồn vốn tư nhân phải có quy định đánh giá tác động về mặt xã hội khi thu hồi đất của người dân, đảm bao minh bạch, tránh lạm dụng gây bức xúc đối với người bị thu hồi đất.

Các đại biểu cũng đề nghị Dự Luật quy định rõ ràng hơn điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội đất nước. “Tránh trường hợp hôm nay thu hồi đất của người dân để xây chợ dân sinh. Nhưng ngày mai trong khu chợ lại mọc ra nhà, khu phố nằm trong khu chợ vừa xây dựng”- đại biểu Trần Quốc Tuấn nói, bởi thực trạng này đã xảy ra ở một số địa phương thời gian qua.

Liên quan quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn tỉnh Bắc Ninh) đề nghị, Dự Luật chưa cụ thể, rành rọt các điều kiện, tiêu chí, phân biệt rõ mục đích giữa dự án nào mục đích phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng và dự báo mục đích kinh tế đơn thuần. Do vậy, để minh bạch trong thu hồi đất, tránh lạm dụng thu hồi đất tràn lan và khiếu nại, khiếu kiện, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi cần rà soát, quy định cụ thể rõ ràng hơn.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị rà soát quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với từng trường hợp thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, để đảm bảo quyền của người dân theo Hiến pháp và pháp luật. Ví dụ, Dự luật quy định "việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ", là rất gian nan.

Hay dẫn điều 86 về "thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng" đưa ra rất nhiều loại dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi, trong đó có cả dự án khu đô thị, khu dân cư nông thôn, nhà ở thương mại, dự án lấn biển, dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn..., đại biểu lo ngại việc thu hồi sẽ khó khăn và không đảm bảo quyền lợi người dân.

Từ đó, đại biểu kiến nghị dự thảo luật hạn chế tối đa những dự án Nhà nước đứng ra thu hồi đất, để các dự án kinh tế, xã hội cho người dân và nhà đầu tư tự thương lượng theo giá thị trường. Ngoài ra, chỉ xem xét thu hồi đất nông nghiệp và hạn chế đến mức tối đa thu hồi đất phi nông nghiệp của dân.

"Khi đi tiếp xúc cử tri, người dân cho biết đất của họ tự nhiên bị quy hoạch đất công viên, cây xanh và được bồi thường giá rất thấp. Trong khi ngay bên cạnh, nhà dân khác thuộc quy hoạch đất thương mại lại được đền bù giá cao hơn nhiều" – đại biểu đề nghị xem xét mặt bằng giá để đảm bảo quyền lợi người dân.

Việc thu hồi đất phải đảm bảo cuộc sống của người dân

Về “nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất”, trong khoản 2 Điều 97, Dự Luật có nội dung: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Việc đánh giá điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ đã gây khó khăn cho các bên thực hiện (Nhà nước và người dân) vì không có tiêu chí cụ thể. Bên cạnh đó, việc di chuyển chỗ ở gây ra những xáo trộn về đời sống của người dân (kể cả vật chất lẫn tinh thần), có những thiệt hại hữu hình như: Nhà ở, đất đai, ruộng vườn… thiệt hại vô hình như: về tâm lý an cư cuộc sống, các mối quan hệ trong cuộc sống, làm ăn sản xuất, kinh doanh mà người dân đã tạo lập từ bấy lâu, không phải có trong một sớm một chiều mà nó được hoàn thiện, hình thành và gắn bó tại nơi ở cũ.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn tỉnh Bình Dương) băn khoăn Điều 92 quy định về tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; quản lý, khai thác sử dụng quỹ đất đã thu hồi, nhưng lại giao Chính phủ quy định chi tiết. Trong khi đây là khởi đầu cho tái định cư và khiếu kiện cũng bắt đầu tư đầu tư khâu tổ chức thực hiện.

“Chúng ta đưa ra Luật để mọi người bình đẳng với nhau, các cơ quan công quyền có khuôn pháp lý để dễ dàng thực hiện, nhưng lại giao Chính phủ quy định chi tiết điều này thì sẽ chẳng khác gì với trước” – đại biểu nêu quan điểm và đề nghị phải quy định rõ trong Luật.

Về Điều 93 quy định trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, có khoản nêu, sau khi vận động, thuyết phục mà người dân không hợp tác thì cưỡng chế, theo đại biểu, là “rất nguy hiểm”. “Ví dụ người dân đang sống gần nơi có kế sinh nhai, giờ chuyển người ta vào căn hộ rất đẹp nhưng người ta không có việc làm thì người ta không thể chuyển đi được. Mà khi người ta chưa chuyển đi, chưa tìm được công ăn việc làm mới mà tiến hành cưỡng chế thì nguy hiểm. Cái này là mất tính nhân văn và có thể phát sinh điểm nóng trên địa bàn” – đại biểu lưu ý.

Đại biểu đề nghị cần có một đơn vị chuyên nghiệp đánh giá độc lập khu vực bị ảnh hưởng để bảo đảm thông tin minh bạch vì nguyên tắc là người dân bị thu hồi đất sau khi di dời có cuộc sống “ít nhất bằng, hoặc tốt hơn”. Bởi nếu không đánh giá kỹ thì làm sao biết bằng hoặc tốt hơn để người ta nhận tiền đền bù? Có rất nhiều trường hợp, chúng ta đền bù, người dân nhận tiền xong tiêu hết, cuối cùng thì vô gia cư.

 

Một mặt đưa ra các nhóm tiêu chí, mặt khác cũng phải đưa ra danh mục

Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến lượng hóa các tiêu chí thu hồi đất “với mục đích phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, việc đưa ra các tiêu chí thu hồi đất cho các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh thì dễ, song với mục đích phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì rất khó.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Quochoi.vn

“Lượng hóa được tiêu chí, điều kiện thì không có gì phải bàn thêm, nhưng cho đến giờ phút này, phải nói là các cơ quan bên lập pháp và hành pháp chúng tôi cũng chưa có được phương án tốt hơn” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Dự Luật một mặt đưa ra các nhóm tiêu chí, mặt khác cũng phải đưa ra danh mục.

Liên quan đến mở rộng hay giảm tối đa đối tượng thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, ông Trần Hồng Hà khẳng định, về phía Bộ, quan điểm là chỉ thu hồi khi dự án chứng minh được đó là dự án công, những dự án an ninh, quốc phòng, dự án kinh tế xã hội nhưng mang lại lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. “Vấn đề quan trọng nhất là bằng cách nào chứng minh được dự án đó mang lại lợi ích quốc gia, công cộng? Việc này chúng tôi xác định sẽ để những người dân trực tiếp bị thu hồi đất nêu ý kiến” – Bộ trưởng nói.

Trước thực trạng phân lô, bán nền, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, quan điểm của ban soạn thảo là phải có quy hoạch xây dựng đồng bộ, phải có quy hoạch 1/500 chi tiết thì mới cho triển khai các dự án hoặc triển khai chuyển mục đích sử dụng đất. Chưa có quy hoạch 1/500 thì sự chuyển đổi mục đích ở đây không tính toán được đầy đủ giá trị của đất đai, trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Tuy vậy, với nhu cầu rất thực tiễn ở nông thôn, cơ quan soạn thảo cũng đang tính toán với khu vực đất dân cư đang ở ổn định, trên cơ sở phù hợp quy hoạch thì cho phép tách thửa, tách lô để sử dụng.