ĐBQH "truy" Bộ trưởng về tiến độ di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 3/11, trả lời chất vấn của ĐB Quốc hội về tiến độ di dời các trụ sở Bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường ĐH ra khỏi nội đô TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã nêu một số nguyên nhân, đồng thời đưa ra giải pháp trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn chiều 3/11. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn chiều 3/11. Ảnh: Quochoi.vn

ĐB Quốc hội Trần Văn Tiến (đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá về tiến độ di dời các trụ sở Bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường Đại học ra khỏi nội đô Hà Nội trong thời gian qua và giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ di dời trong thời gian tới?

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thực hiện Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ biện pháp, lộ trình di dời và sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp cũng như cơ quan, đơn vị bộ, ngành Trung ương, đến nay vẫn chậm. Nguyên nhân do có cơ quan chưa thực sự quyết liệt, chậm xây dựng phương án di dời như danh mục, tiêu chí, lộ trình di dời. Do nguồn ngân sách bố trí do di dời, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu vực quy hoạch trụ sở mới còn hạn chế; chưa có phương án huy động nguồn lực.

"Trách nhiệm Bộ Xây dựng chịu trách chung trong giám sát đôn đốc, công tác này chưa thực sự hiệu quả. Các cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cũng chưa quyết liệt"- Bộ trưởng nêu.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu giải pháp thời gian tới, các bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội cần thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch, xác định danh mục các cơ sở cần di dời, biện pháp thực hiện; đồng thời xây dựng cơ chế chính sách di dời đảm bảo theo đúng nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng đó, các Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, LĐTB&XH khẩn trương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, quy hoạch giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô để trình Thủ tướng phê duyệt danh mục lập danh mục, xây dựng có biện pháp xây dựng lộ trình di dời. Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành và TP Hà Nội xây dựng cơ chế chính sách di dời đảm bảo phù hợp mục tiêu, đáp ứng đúng tiến độ của CP. TP Hà Nội khẩn trương rà soát triển khai nhiệm vụ theo đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và lập quy hoạch phân khu đô thị cũng như xác định quỹ đất phù hợp, hiệu quả để đáp ứng nhu cầu về kiến trúc cảnh quan đô thị, hạ tầng xã hội.

ĐB Quốc hội Trần Văn Tiến (đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) chất vấn chiều 3/11. Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Quốc hội Trần Văn Tiến (đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) chất vấn chiều 3/11. Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên chất vấn, ĐB Quốc hội Tạ Thị Yên (Đoàn tỉnh Điện Biên) đã đề nghị có biện pháp, chế tài để các chủ đầu tư thực hiện cam kết trả giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở cho chủ sở hữu nhà ở, đất ở. Gần đây, ở một số dự án nhà ở, tình trạng cư dân căng băng rôn, thậm chí tập trung đông người, yêu cầu chủ đầu tư phải trả cho người mua sổ hồng, sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, tình trạng này là do chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, hoặc các quy trình, thủ tục về đầu tư xây dựng theo luật định, kể cả quy định về phòng cháy, chữa cháy. Với trách nhiệm quản lý nhà nước của mình theo Luật Nhà ở, đại biểu đề nghị Bộ trưởng sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, có biện pháp, chế tài nào để các chủ đầu tư thực hiện cam kết trả giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở cho chủ sở hữu nhà ở, đất ở?

ĐB Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn tỉnh Điện Biên) nêu câu hỏi tại phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn tỉnh Điện Biên) nêu câu hỏi tại phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Thời gian qua việc quản lý vận hành chung cư được quy định tương đối đầy đủ, từng bước đi vào nề nếp, khắc phục cơ bản các tồn tại. Tuy nhiên vẫn còn những hiện tượng như đại biểu phản ánh do quy định pháp luật chưa đảm bảo. Qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, Bộ Xây dựng nhận thấy có 5 nội dung nổi lên về tranh chấp khiếu nại liên quan đến quản lý, vận hành chung cư. Đó là chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư cũng như thành lập Ban quản trị, quy chế thu chi tài chính của Ban quản trị; đóng góp, bàn giao, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư; xác định sở hữu chung, sở hữu riêng; không thống nhất lựa chọn đúng ý đơn vị bảo trì chung cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất.

Với trách nhiệm của mình, thời gian qua Bộ Xây dựng đã tiến hành thanh tra, kết luận, xử lý các hành vi vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình vận hành, quản lý nhà chung cư. Các kết luận của thanh tra đã góp phần giải quyết dứt điểm các khiếu nại, giải quyết tranh chấp của cư dân sinh sống trong chung cư. Tuy nhiên, cũng có các hành vi liên quan đến vi phạm pháp luật. Thời gian tới cùng với rà soát hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý nhà chung cư như trong Luật Nhà ở mà Bộ Xây dựng đang dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới xác định rõ quy định trong vận hành chung cư đảm bảo quyền lợi cho người dân sinh sống ở chung cư cũng như các hành vi vi phạm cũng đề nghị các cơ quan tố tụng điều tra, xem xét, xử lý nghiệm theo quy định.

 

Trước đó, trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, liên quan đến di dời trụ sở Bộ, ngành ra khỏi nội đô TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng đã rà soát 36 cơ quan T.Ư thuộc đối tượng quy hoạch (18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan đoàn thể T.Ư) để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể.

Phương án di dời gồm 2 nhóm: Nhóm cơ quan đã xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ gồm 23 cơ quan, trong đó 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất và thực hiện đầu tư xây mới, 15 cơ quan thực hiện cải tạo tại chỗ; nhóm cơ quan đề xuất di dời gồm 13 cơ quan.

Đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành tổ chức Cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc các bộ, ngành T.Ư tại khu vực Tây Hồ Tây. Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Đồ án đã được chỉnh sửa, bổ sung các nội dung phù hợp và hiện đang triển khai lấy thêm ý kiến cộng đồng dân cư tại các khu đất thuộc phạm vi ranh giới nghiên cứu lập đồ án quy hoạch (phường Mễ Trì và phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), phường Xuân La (quận Tây Hồ), phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm). Công tác này dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2022, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Về khó khăn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng (cơ chế chính sách, sử dụng quỹ đất sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực, phối hợp các cơ quan liên quan). Ngoài ra các bộ, ngành và địa phương chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời).

Về giải pháp, Bộ Xây dựng đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư và TP Hà Nội cần thúc đẩy tiến độ lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần