Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐBQH ủng hộ đề xuất của Bộ GD&ĐT việc đưa sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tại phiên họp sáng 2/6, đại biểu Thái Văn Thành- đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Nghệ An đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, phải đưa SGK vào danh mục quản lý giá, đảm bảo quyền lợi của học sinh và điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay của người dân.

Mong muốn học sinh được mua SGK giá thấp nhất

Tại phiên họp trước đó, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu làm rõ một số nội dung ĐB Quốc hội quan tâm, trong đó có vấn đề giá SGK. Bộ trưởng cho biết, ngày 28/11/2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình SGK, giáo dục phổ thông là thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Kỳ họp (Ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Kỳ họp (Ảnh: Quochoi.vn)

Theo Nghị quyết này thì công việc biên soạn SGK đã được thực hiện theo xã hội hóa. Các DN thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi xuất bản, phát hành.

Bộ trưởng bày tỏ, với mong muốn học sinh luôn được mua SGK giá thấp nhất. Từ góc độ quản lý và chuyên môn, Bộ đã chỉ đạo các NXB thực hiện nghiêm các biện pháp để xuất bản sách sao cho sách có thể sử dụng lại được nhiều lần, các bộ sách xuất bản mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện đầy đủ điều này.

Bộ trưởng cũng cho hay, theo Thông tư 33 được sửa đổi một số nội dung bằng Thông tư số 05 cũng đã quy định cấu trúc và nội dung SGK phải phù hợp với tiêu chuẩn SGK về xuất bản phẩm. Quá trình thẩm định sách thì các hội đồng thẩm định đã yêu cầu các nhóm tác giả điều chỉnh những phần quá dài, lạm dụng hình ảnh…

Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo chuẩn bị ban hành thông tư quy định tiêu chí, quy chuẩn riêng về SGK để điều tiết việc này một cách cụ thể và có hiệu quả hơn.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ đã nhiều lần ban hành văn bản chỉ đạo NXB Giáo dục cần thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng cũng như các chi phí khác nhằm đảm bảo giá SGK được thấp nhất.

Bộ đã chỉ đạo NXB thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về cung cấp SGK cho học sinh là các đối tượng chính sách xã hội, học sinh các vùng; đã chỉ đạo NXB Giáo dục cung cấp các bản sách dạng PDF miễn phí để học sinh có thể tiếp cận được ngay từ khi sách bắt đầu phát hành.

Bộ trưởng thông tin thêm, đối với NXB Giáo dục là một DN nhà nước do Bộ GD&ĐT quản lý, Bộ đã chỉ đạo NXB tăng cường ứng dụng CNTT, đa dạng hóa các kênh phân phối, giảm chi phí phát hành, đẩy mạnh tái cơ cấu NXB theo hướng tinh gọn bộ máy, nhân sự để tiết giảm tối đa các khâu trung gian.

“Một trong những giải pháp quan trọng, căn cơ mà Bộ đã và đang kiến nghị là Bộ đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ báo cáo Chính phủ và Quốc hội bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Việc này Bộ đã đề xuất tại công văn ngày 22/9/2021 và có chính sách trợ giá, thời điểm này Bộ GD&ĐT tiếp tục kiên trì kiến nghị này”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.

Cần hiểu và phân biệt hai loại SGK

Phát biểu tại phiên họp sáng 2/6, đại biểu Thái Văn Thành- đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Nghệ An đồng tình với quan điểm trên của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Theo đại biểu, đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá và đảm bảo quyền lợi của học sinh và điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay của người dân.

Đại biểu Thái Văn Thành khẳng định, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục, nhà trường triển khai một cách đồng bộ, bài bản, khoa học về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Đại biểu Thái Văn Thành (đoàn  ĐBQH tỉnh Nghệ An)
Đại biểu Thái Văn Thành (đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An)

Chương trình hướng vào mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách học sinh, hình thành và phát triển kỹ năng hiện đại như: Tin học, Ngoại ngữ cho học sinh. Đặc biệt, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, giá trị sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước và xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc; bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, hội nhập quốc tế vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đại biểu Thái Văn Thành cho rằng, các nhà trường cần tăng cường công tác truyền thông trong Nhân dân để phụ huynh, học sinh hiểu và phân biệt về hai loại SGK.

Thứ nhất là SGK, đó là sách bắt buộc học sinh có đi học. Thứ hai là sách bổ trợ, tham khảo. Sách này tuỳ thuộc vào điều kiện, nhu cầu của học sinh, phụ huynh nên không bắt buộc phải mua.

Lấy ví dụ thực tiễn tại địa phương, đại biểu Thái Văn Thành cho biết, ngành giáo dục tại địa phương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện SGK trên phương thức: Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Tỉnh sẽ dành một phần kinh phí để trang bị SGK cho nhà trường. Cùng với đó kêu gọi, huy động DN, các nhà xuất bản SGK cho nhà trường, kêu gọi học sinh khóa trước học xong tặng lại sách để xây dựng thư viện SGK. Việc làm này giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học và sách dùng nhiều lần sẽ tránh được lãng phí.

Trên tinh thần đó, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị, Bộ GD&ĐT nhân rộng mô hình này trong các địa phương trên cả nước để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học.