Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐBQH: Xe kinh doanh vận tải gây tạn nạn giao thông, cách nào siết lại?

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 7/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) Nguyễn Văn Thắng, các đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp khắc phục tai nạn do xe kinh doanh vận tải gây ra; khắc phục tình trạng các đường dân sinh phụ trợ cho đường cao tốc xuống cấp nghiêm trọng...

Tai nạn do xe kinh doanh vận tải chiếm khoảng 50%

Tham gia chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (Đoàn tỉnh Bắc Kạn) nêu vấn đề: Tại báo cáo của Bộ GT-VT có nêu, theo thống kê, tai nạn do xe kinh doanh vận tải gây ra chiếm khoảng 50% các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân do nhiều đơn vị kinh doanh vận tải chưa chấp hành nghiêm quy định như giao phương tiện cho người chưa được khám sức khỏe; ép thời gian giao hàng hoặc tăng chuyến khi lái xe tải chạy quá giờ, chạy quá tốc độ, chạy xuyên ngày đêm dẫn tới buồn ngủ, gây tai nạn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp gì để siết lại tình trạng này?.

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn của đại biểu
Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn của đại biểu

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện tượng chủ doanh nghiệp vận tải ép các tài xế chạy xuyên đêm, gây tai nạn là thực tế đã được dư luận, báo chí phản ánh. Trong Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/4/2023 về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, Thủ tướng cũng yêu cầu với các vụ tai nạn giao thông gây ảnh hưởng nghiêm trọng, Chủ tịch UBND tỉnh cần chủ trì đánh giá xác định nguyên nhân, giải pháp để khắc phục, rút kinh nghiệm, cá thể hóa trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.

Bộ GT-VT, Bộ Công an cũng đã có nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định hợp lý trong dự thảo các luật liên quan đến trật tự an toàn giao thông sắp được trình Quốc hội.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 7/6
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 7/6

Ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát hoạt động đăng kiểm

Đối với lĩnh vực hoạt động của Trung tâm đăng kiểm, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần đổi mới về cơ chế tài chính, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp ngoài Nhà nước đầu tư vào trung tâm đăng kiểm; nguyên nhân thiếu hụt nhân viên đăng kiểm gây khủng hoảng trong công tác đăng kiểm. Đây cũng có một phần trách nhiệm của Bộ GT-VT khi không chủ động, chưa kịp thời phối hợp với các cơ quan để giải quyết vấn đề này.  

Trả lời những nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, những vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm vừa qua hết sức nghiêm trọng, gây ra hệ lụy lớn, khi doanh nghiệp, người dân phải chờ đợi trong hoạt động đăng kiểm. Vừa qua, Bộ GT-VT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tập trung tháo gỡ, khôi phục hoạt động đăng kiểm phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng cho biết, ngay từ khi nhận công tác đã có nỗ lực nghiên cứu, điều chỉnh lại các quy định đăng kiểm cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Bộ đang triển khai khắc phục, khôi phục hoạt động đăng kiểm; đồng thời rà soát lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm để đảm bảo yêu cầu hiện đại, thông thoáng, chặt chẽ.

Đại biểu Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc)
Đại biểu Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc)

Bộ đã ban hành Thông tư 02, trong đó đề cập đến việc miễn đăng kiểm lần đầu, giãn chu kỳ đăng kiểm để phù hợp với các quy định của các nước trong khu vực. Bộ cũng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh khi giãn chu kỳ đăng kiểm thì không cần thiết phải khám xe rồi mới cấp tem kiểm định. Việc làm này đã làm tiết kiệm thời gian cho hơn 1 triệu lượt xe.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính đưa vào dự thảo luật Giá để loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá Nhà nước quản lý, để thị trường quyết định, đảm bảo thu nhập cho các đăng kiểm viên. Cùng đó, Bộ cũng đang tập trung tuyển dụng, đào tạo cán bộ đăng kiểm, để có đủ lực lượng bố trí trở lại tất cả các trung tâm đăng kiểm, để tất cả dây chuyền đăng kiểm khi có đủ lực lượng sẽ trở lại hoạt động bình thường.

Ngoài ra, Bộ cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu tối đa việc kiểm định thủ công, đồng thời thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm qua mạng, thanh toán chuyển khoản.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (Đoàn tỉnh Bắc Kạn)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (Đoàn tỉnh Bắc Kạn)

Khắc phục tình trạng đường cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ

Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội cũng đề cập đến tình trạng các đường dân sinh phụ trợ cho việc xây dựng đường cao tốc xuống cấp nghiêm trọng; các hạng mục đường gom chưa hoàn thiện và chưa có trạm dừng nghỉ gây bất tiện cho người tham gia giao thông. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp khắc phục?.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua khi đưa vào khai thác một số tuyến đường đã có một số dự án còn một phần đường gom và đường dân sinh chưa hoàn thành. Bởi trước nhu cầu đi lại của người dân là rất cao, người dân rất mong chờ, không thể đợi đến khi dự án hoàn thành 100%. Do đó, Bộ GT-VT đã tính đến phương án đường gom và trong khoảng thời gian còn lại thì phải khẩn trương hoàn thành.

Với nội dung thiếu trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, Bộ trưởng Bộ GT-VT cho rằng, Bộ đã nhận diện được vấn đề này nên ngay từ đầu năm 2023, Bộ trưởng đã phải chỉ đạo rất quyết liệt phải làm bù, phải xây dựng thông tư hướng dẫn và tổ chức đấu thầu để khẩn trương xây dựng các các trạm dừng nghỉ. Sắp tới sẽ đấu thầu quyền khai thác 8 trạm dừng nghỉ.

Bộ trưởng Bộ GT-VT khẳng định quyết tâm, quyết liệt và cam kết khi hoàn thành các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cũng sẽ có các trạm dừng nghỉ theo đúng quy hoạch.