Ngày 29/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đề nghị ngừng nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 tại Việt Nam.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia đã khống chế thành công nhất đại dịch Covid-19. Trong đó, chiến lược ngoại giao vaccine rất tốt, rất nhanh và rất thành công, đã có đủ, kịp thời và có ngay vaccine để tiêm phòng cho Nhân dân.
Đại biểu đồng tình với đánh giá của Đoàn giám sát nêu: Quốc hội trân trọng sự chung sức đồng lòng của Nhân dân và những cá nhân, tập thể đã đóng góp vào công cuộc phòng, chống Covid-19. Đây là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình thương. Thấu hiểu điều này, đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch cho các lực lượng, các địa phương, các đơn vị; làm tốt hơn nữa công tác biểu dương, khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân tham gia phòng chống dịch.
Tuy nhiên, đã có những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, thậm chí có những sai phạm xảy ra trong những lĩnh vực rất ít có sai phạm như nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ. Đại biểu đồng tình với quan điểm, tham ô, tham nhũng trong hoạt động phòng, chống dịch cần xử lý thật nghiêm khắc nhưng cũng cần xem xét thật có lý, có tình, thật công bằng với những ai có sai sót nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch nhằm lợi ích của cộng đồng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị ngừng nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid-19 Việt Nam, vì đã là quá muộn để nghiên cứu sản xuất loại vaccine này, mà cần tìm mua loại vaccine tốt, với giá cả hợp lý và đủ để tiêm phòng cho Nhân dân. Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật và y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Qua đại dịch thấy rõ hơn lòng tham của một số người
Thống nhất cao với báo cáo giám sát, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Đoàn tỉnh Bình Thuận) cho biết, việc lựa chọn chuyên đề giám sát này là rất trúng và đúng, khi đất nước đã trải qua giai đoạn phòng, chống dịch gian khó, chúng ta thấy được truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã được phát huy mạnh mẽ, đồng thời cũng thấy được những tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục.
Theo đại biểu, qua đại dịch cho thấy sự chăm lo của Đảng, Nhà nước với sức khoẻ của nhân dân. Qua đau thương mới thấy tình yêu thương con người. Song, qua đại dịch cũng thấy rõ hơn lòng tham của một số người, kể cả người có chức quyền, lợi dụng mất mát, đau thương để cấu kết làm trái quy định, bị pháp luật nghiêm trị.
Làm rõ hơn những bất cập trong thực tế, đại biểu Nguyễn Hữu Thông phản ánh, trong quá trình phòng, chống dịch, đội ngũ y, bác sĩ đã cố gắng hết sức để có trang thiết bị cứu sống người bệnh, tuy nhiên, sau dịch, nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian và tâm trí của nhiều y, bác sĩ lại là chuẩn bị các nội dung giải trình, làm rõ việc huy động nguồn lực, hoàn trả trang thiết bị cho các doanh nghiệp, tổ chức.
Về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu cho rằng, bên cạnh mặt tích cực, lĩnh vực này vẫn chưa được đầu tư thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, cơ chế tài chính chậm đổi mới, điều kiện về thuốc, trang thiết bị chưa đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ được giao, nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến huy động, phân bổ, quản lý sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch; có cơ chế riêng để thực hiện việc mua sắm phục vụ phòng, chống dịch khi dịch xuất hiện, tránh bị động, bất ngờ, lúng túng.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần có chỉ đạo để các cơ quan, đơn vị hữu quan giải quyết, thanh toán việc mua sắm, mượn vật tư y tế phục vụ việc chống dịch. Ngoài ra, cần nâng số lượng biên chế ở các trạm y tế cấp cơ sở để đảm bảo hoạt động hiệu quả phục vụ người dân, tăng cường đầu tư trang thiết bị ở tuyến cơ sở để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh tại các trạm y tế.
Cơ bản nhất trí với báo cáo của đoàn giám sát, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn tỉnh Bắc Giang) nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua còn bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém của y tế cơ sở, ý tế dự phòng. Nguyên nhân chính là do y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư chưa tương xứng, cơ sở vật chất của nhiều đơn vị, nhất là các trạm y tế xã còn thiếu thốn, cơ chế tài chính còn nhiều vướng mắc, chậm được khắc phục, chất lượng đội ngũ nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng ở địa phuơng còn nhiều hạn chế, chế độ đãi ngộ, tiền lương còn thấp, chưa phù hợp…
Từ thực tế nêu trên, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn việc củng cố, hoàn thiện đầu tư tương xứng cho hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng. Trong đó cần tổng kết, đánh giá một cách toàn diện, trên cơ sở đó xây dựng, triển khai Đề án cụ thể về củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức của hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng cho phù hợp với từng địa phương, từng vùng miền, không nhất thiết chỉ tổ chức theo đơn vị hành chính.
Đồng thời, cần khẩn trương rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng ở địa phương, xác định rõ mối quan hệ giữa tuyến y tế cơ sở với ba cấp chuyên môn kỹ thuật gồm: cấp, ban đầu cấp cơ bản và cấp chuyên sâu theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Tăng cường đưa nhiều hơn các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe từ tuyến trên về y tế tuyến huyện, tuyến xã gắn với nâng cao năng lực, tạo điều kiện thuận lợi phát huy vai trò của y tế tuyến huyện, tuyến xã, đáp ứng yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngay tại cơ sở.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị tương xứng với vai trò của hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng. Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, bất cập cho các đơn vị trong thực hiện các cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ.