Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐBQH: Xử phạt chậm đóng, trốn đóng BHXH tương đương lãi suất quá hạn ngân hàng

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo quy định ngoài số tiền chậm đóng, trốn đóng thì đối tượng chậm đóng, trốn đóng cần nộp thêm số tiền bằng 0,03% theo ngày tính theo số tiền chậm đóng, trốn đóng. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần tính thêm mức phạt tương đương lãi suất quá hạn do Ngân hàng nhà nước quy định.

Chiều 27/5, thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp xử lý việc trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH).

Bổ sung quy định hành vi cấm chiếm dụng tiền đóng BHXH

Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn tỉnh Quảng Nam) cho rằng, tại điều 8, khoản 2 quy định hành vi bị nghiêm cấm là cấm chiếm dụng tiền hưởng BHXH. Theo đại biểu, quy định cấm này là chưa đầy đủ, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 3, Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đó là cấm chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận chiều 27/5 - Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận chiều 27/5 - Ảnh: Quochoi.vn

"Thực tế hiện nay, tình trạng các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động nhưng vẫn trích từ tiền đóng của người lao động hàng tháng khi trả lương diễn ra phổ biến. Do đó, Luật cần thiết phải quy định hành vi cấm chiếm dụng tiền đóng BHXH, bảo hiểm tai nạn để có căn cứ xử lý vi phạm đối với hành vi này" - đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh nêu.

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Đoàn tỉnh Quảng Nam) cho biết, trong thời gian qua tình trạng doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm diễn ra tương đối nhiều, cần có biện pháp xử lý vi phạm về việc trốn đóng, chậm đóng BHXH. Theo quy định ngoài số tiền chậm đóng, trốn đóng thì đối tượng chậm đóng, trốn đóng cần nộp thêm số tiền bằng 0,03% theo ngày tính theo số tiền chậm đóng, trốn đóng. Cho rằng mức quy định này còn thấp, chưa đủ tính răn đe, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị: để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần quy định ngoài số tiền chậm đóng, trốn đóng, phải tính thêm mức phạt tương đương lãi suất quá hạn do Ngân hàng nhà nước quy định để tránh tình trạng chiếm dụng quỹ BHXH.

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Đoàn tỉnh Quảng Nam)
Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Đoàn tỉnh Quảng Nam)

Liên quan đến việc đưa nội dung không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng vào phần xử phạt hành vi chậm, trốn đóng BHXH bắt buộc, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (Đoàn tỉnh Đắk Nông) cho rằng, đây không phải là một trong những biện pháp xử lý vi phạm. Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh và khuyến khích; việc chậm, trốn đóng BHXH bắt buộc là vi phạm điều cấm theo khoản 1 điều 8 của dự thảo Luật, phải sử dụng các chế tài về xử lý hành chính và hình sự để bảo đảm thực thi pháp luật được nghiêm minh.

Quy định không xét tặng thi đua, khen thưởng không có tác động để xử lý việc trốn, đóng BHXH. Ngoài ra, việc không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng đã được pháp luật về thi đua, khen thưởng quy định. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bỏ các khoản nêu trên.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (Đoàn tỉnh Đắk Nông)
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (Đoàn tỉnh Đắk Nông)

 Tăng quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn

Về quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn quy định tại khoản 1 điều 13 của Dự thảo Luật, đại biểu Phan Thái Bình đồng tình cao với quy định rằng tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động. Đại biểu nêu vấn đề, quy định này cũng có trong pháp luật hiện hành nhưng vì sao tổ chức công đoàn vẫn chưa phát huy được nghĩa vụ này? Đó là vì quy trình, thủ tục, điều kiện cần và đủ để tổ chức Công đoàn đứng ra khởi kiện rất khó. Do đó, đại biểu đề nghị tháo gỡ vấn đề này để tổ chức Công đoàn phát huy được vai trò bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng cần cân nhắc, xem xét bổ sung các quy định liên quan đến nội dung xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, trong đó quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan BHXH; sửa đổi, bổ sung về quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn nhằm góp phần tổ chức, thực hiện hiệu quả trong tổng thể các Luật có liên quan.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Theo quy định ở điểm c, khoản 1, điều 13 Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) về quyền Công đoàn khởi kiện nợ BHXH cho người lao động cần phải được người lao động ủy quyền. Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, việc ủy quyền này không khác với các tổ chức cá nhân khác như công ty luật và luật sư… Vì vậy, nếu giao cho tổ chức Công đoàn được quyền khởi kiện thì có thể giải quyết được tình trạng hiện nay.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng thống nhất với quy định về cơ chế đặc thù bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóg BHXH.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế) thống nhất cao việc bổ sung quy định cơ chế đặc thù bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần đánh giá cụ thể nguồn lực; đánh giá tác động để bảo đảm khả thi khi thực hiện quy định ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho người lao động đóng cho thời gian bị chậm đóng, trốn đóng BHXH.