Ngày 19/12, tại TP Cần Thơ, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam phối hợp cùng báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức toạ đàm “Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL và giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm cát dưới góc nhìn chuyên gia và truyền thông”.
Theo báo cáo của Ủy hội sông Mekong công bố năm 2018, tổng lượng trầm tích (bao gồm cát) đổ về sông Tiền và sông Hậu đang ngày càng giảm dần và dự kiến chỉ còn khoảng 4,5 triệu tấn trầm tích vào năm 2040. Việc thiếu hụt trầm tích do thủy điện và khai thác cát không bền vững là những nguyên nhân dẫn đến xói mòn đáy sông, kéo theo sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu. Kết hợp với khai thác nước ngầm quá mức và hệ thống đê ngăn lũ trên diện rộng dẫn đến xói mòn bờ biển, xâm nhập mặn, triều cường ngày càng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, đoàn khảo sát trong Dự án Quản lý khai thác cát bền vững tại ĐBSCL đã kết hợp cùng các nhà khoa học Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khảo sát đo đạc lượng bùn cát từ sông Mekong đổ về ĐBSCL ở 11 vị trí trên sông Tiền và sông Hậu. Kết quả khảo sát cho thấy, ĐBSCL đang bị đe doạ do khai thác cát quá mức, nhất là tình trạng sạt lở gia tăng. Cụ thể, trung bình mỗi năm ĐBSCL mất khoảng 500ha đất, toàn vùng có 621 điểm sạt lở kéo dài 610km.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, cát hiện nay về ĐBSCL còn chút ít là do nó “khởi hành” rất lâu trong quá khứ từ thượng nguồn về. Nhưng hiện nay, hàng chục đập ở thượng nguồn chắn ngang dòng sông thì tương lai cát sẽ không về ĐBSCL. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng vụ sạt lở ở cù lao Minh ở huyện Long Hồ, Vĩnh Long vào chiều 5/12 với chiều dài 350m, rộng 160m nhưng không hề có cảnh báo trước. Điều này chứng tỏ đáy sông đã rỗng từ lâu.
Ông Hà Huy Anh, Quản lý Quốc gia dự án Quản lý khai thác cát bền vững tại ĐBSCL, cho biết: Kết quả khảo sát từ mùa khô năm 2022 cho thấy, lượng cát ghi nhận tại Tân Châu – An Giang là khu vực có lượng cát đổ về lớn nhất khu vực ĐBSCL thì chỉ còn khoảng 30m3/năm/m ngang sông.
Theo ông Hà Huy Anh, kết quả các đợt khảo sát này sẽ là dữ liệu quan trọng để tiến tới xây dựng ngân hàng cát trên toàn ĐBSCL. Đồng thời, đưa ra các khuyến cáo “đỏ” về những địa điểm không được khai thác cát do sạt lở nghiêm trọng và khu vực được khai thác gắn với khối lượng.
Cùng quan điểm, ông Trần Tuấn Anh, Nghiên cứu viên của Trung tâm chẩn chỉnh Sông và phòng chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) cho biết: Dù hoạt động khai thác cát ở ĐBSCL hiện nay là không bền vững, việc ngưng khai thác cát ngay lập tức là không khả thi bởi cát sông là đầu vào quan trọng cho nền kinh tế của vùng nhằm phục vụ cho việc xây dựng cao tốc, tỉnh lộ, san lấp mặt bằng cho cá dự án nhà ở, khu công nghiệp... Vì vậy, việc xây dựng ngân hàng cát là rất cần thiết.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ giải pháp phát triển vật liệu thay thế cát sông đang còn rất non trẻ ở Việt Nam. Vật liệu thay thế cát sông phổ biến nhất hiện nay là cát nghiền/cát nhân tạo.
Theo WWF-Việt Nam, hiện WWF đang cùng tư vấn quốc tế thực hiện nghiên cứu về vật liệu thay thế cát sông bền vững và sẽ công bố báo cáo cuối cùng vào cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2022.