Giá mía tăng, nông dân phấn khởi
Tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, người trồng mía đang bước vào vụ thu hoạch mía với tâm trạng phấn khởi khi giá mía tăng hơn so với trước, nhà nông có lời.
Bà Nguyễn Thị Kiền, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Niên vụ mía năm nay, nông dân ở xã này trúng mía, năng suất từ 120 - 150 tấn/ha, giá mía tùy chữ đường, dao động từ 9 triệu - 12 triệu đồng/tấn, cao hơn năm trước. Sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 30-40 triệu đồng/ha.
Theo ông Trần Văn Tuấn, xã An Thạnh 3,huyện Cù Lao Dung, năng suất mía của gia đình ông đạt khoảng 120 tấn/ha, giá bán như các hộ dân ở địa phương. Sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 50 triệu đồng /ha.
Theo ông Tuấn, năm nay do vật tư nông nghiệp tăng cao nên nhà nông không lời nhiều nhưng so với mấy năm trước thì còn có lời, trước đây đa số nông dân trồng mía đều bị lỗ. Nhân công đốn mía cũng không khó như trước. Giá đốn 1 tấn mía dao động từ 220.000 - 400.000 đồng tùy theo khoảng cách từ ruộng mía ra đến bến bãi tập kết mía.
Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, cho biết: Vụ mía năm nay nông dân của huyện trồng khoảng 2.800ha mía, tập trung ở các xã An Thạnh 2, An Thạnh 3, An Thạnh Nam, An Thạnh Đông.
Cùng chung niềm vui, nông dân trồng mía tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cũng ghi nhận giá mía tăng trong niên vụ này. Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Phụng Hiệp, cho hay địa phương có hơn 3.100 ha trồng mía, nhà máy đường thu mua theo hợp đồng cho nông dân với giá 1.000 đồng/kg. Còn nông dân bán mía cho thương lái để làm nước ép tới hơn 2.000 đồng/kg.
Còn tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, niên vụ mía 2022-2023, nông dân trồng mía tại đây thu lợi nhuận khá sau nhiều năm thua lỗ. Ông Huỳnh Văn Thảo, Trường phòng NN-PTNT huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cho biết: "Toàn huyện đã thu hoạch khoảng 700/1.100 ha mía, năng suất đạt 95 tấn/ha. Giá mía được nhà máy đường thu mua ở mức 1.250 đồng/kg (loại 10 chữ đường), cao hơn 150 đồng/kg so với năm rồi, nông dân thu lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/ha".
Cũng theo ông Thảo, niên vụ 2022-2023, Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh đã hỗ trợ cho nông dân có hợp đồng với công ty là 70 triệu đồng/ha để mua giống, phân… Người trồng chỉ bỏ công, khi nào thu hoạch thì trả lại. Việc làm này nhằm giữ ổn định vùng nguyên liệu vì diện tích mía đang giảm mạnh.
Diện tích trồng giảm mạnh, nhà máy đường lo thiếu nguyên liệu
Những năm gần đây, diện tích trồng mía tại các tỉnh ĐBSCL ngày càng bị thu hẹp, nguyên nhân là người dân không mặn mà với loại cây trồng từng giúp xóa đói giảm nghèo này. Theo một số người trồng mía tại Hậu Giang, tại địa phương có rất nhiều hộ dân chỉ trồng và cung cấp mía nguyên liệu cho làm nước mía giải khát, chứ không bán cho nhà máy sản xuất đường như trước đây.
Ông Huỳnh Văn Thảo, Trường phòng NN-PTNT huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cho biết: Cách đây 10 năm, diện tích trồng mía của huyện Trà Cú đạt khoảng 4.500 ha nhưng do giá mía giảm liên tục qua nhiều năm, nông dân thua lỗ nên đã chuyển diện tích mía sang nuôi tôm, cá… và cho thu nhập rất cao.
Còn theo Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, diện tích trồng mía tại huyện Phụng Hiệp năm nay giảm 500 ha so với vụ năm rồi do nông dân chuyển qua trồng cây ăn trái.
Lãnh đạo một công ty mía đường ở ĐBSCL cho biết, tình hình các nhà máy đang gặp khó khăn trong nguyên liệu. Công ty đạt công suất ép 6.500 tấn mía/ngày nhưng đang thiếu nguyên liệu trầm trọng. Nguyên nhân là do nông dân "bẻ kèo", họ có hợp đồng với công ty nhưng lại đem mía bán cho thương lái. Bên cạnh đó, diện tích trồng mía giảm mạnh cũng khiến nguyên liệu đầu vào không đủ.