Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT cho biết, trong Đề án có 2 triệu hộ nông dân trồng lúa, 1.230 HTX/tổ hợp tác và 210 DN kinh doanh lúa gạo, cho thấy nhu cầu đầu tư về công nghệ rất lớn.
![Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT mời gọi doanh nghiệp Nhật Bản tham gia hỗ trợ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL. Ảnh: CK](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/14/acf265a0-e66b-4ef1-ac46-f2ac1eda0b1d.jpeg)
Theo ông Lê Đức Thịnh, 3 nội dung và yêu cầu ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong Đề án là: Áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL đã được Cục Trồng trọt ban hành; 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa DN với HTX, tổ hợp tác; đánh giá và thẩm định kết quả giảm phát thải.
Đồng quan điểm, nêu ra những lợi ích khi ứng dụng chuyển đổi số, ông Nguyễn Tấn Nhơn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho hay, thành phố hiện sử dụng drone trong gieo sạ, bón phân, phun thuốc… đạt 30% diện tích lúa, cuối năm nay phấn đấu lên 50%. Cùng với đó, việc sử dụng thiết bị cảm ứng mực nước khá hiệu quả khi giảm được công lao động và giúp đo đếm để tính ra lượng phát thải khí nhà kính.
Đồng thời, việc số hóa thông tin vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt phần mềm FaceFarm và WACA giúp HTX và nông dân ghi chép nhật ký sản xuất dễ dàng, tiết kiệm thời gian, theo dõi được quá trình sản xuất của các thành viên và công tác tài chính, nhân sự hoạt động của HTX, cải thiện tính minh bạch, tạo niềm tin, uy tín cho sản phẩm…
![Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Sorimachi. Ảnh: H.X](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/14/1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-2-1739515809938473213791.jpeg)
Báo cáo dự án thí điểm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nông nghiệp vùng ĐBSCL, đại diện Công ty Sorimachi Việt Nam cho biết, dự án nhằm nâng cao lực cho cán bộ, HTX, bao gồm việc hướng dẫn HTX và thành viên giảm phát thải carbon khi tham gia vào Đề án 1 triệu ha.
Công ty Sorimachi Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét chỉ đạo ứng dụng các phần mềm vào quản lý Đề án đồng bộ từ trung ương đến địa phương, HTX, nông dân cũng như có công cụ để quản lý vùng trồng, quy trình sản xuất, phân bón, mực nước... Các tỉnh thành tiếp tục tăng cường năng lực quản trị và quản lý cho HTX thông qua đào tạo các phần mềm…” – đại diện Sorimachi kiến nghị và cho biết sẽ tiếp tục kết nối với các DN Nhật Bản để hỗ trợ cho Đề án nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, giải pháp rất cần thiết đối với các HTX tham gia Đề án là ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Bộ đã phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam, các đơn vị của Nhật Bản triển khai thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ số trong sản xuất lúa giảm phát thải, đặc biệt hỗ trợ HTX về phần mềm kế toán và quản trị.
“Qua hội thảo hôm nay cũng muốn kêu gọi các DN trong và ngoài nước tham gia đầu tư về công nghệ số, công nghệ xanh, công nghệ sinh khối, xử lý chất thải, chế biến sản phẩm nông nghiệp…” – Thứ trưởng Nam cho hay.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của Tập đoàn Siromachi trong việc triển khai hệ thống phần mềm nhật ký sản xuất Facefarm và phần mềm kế toán HTX (Waca) cho các HTX nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, thứ trưởng đề nghị Sorimachi cũng như một số doanh nghiệp Nhật Bản tham gia triển khai các giải pháp nông nghiệp thông minh cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Đây là một trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp nước này có nhiều kinh nghiệm và mô hình hiệu quả.