Đề án ASIAD 2019 là hoàn toàn khả thi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/3, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật để phát triển thể thao thành tích cao.

 Trong đó, việc chuẩn bị cho Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 18 vào năm 2019 được đặc biệt nhấn mạnh.

Tại phiên giải trình, nhiều ĐB Quốc hội đã đặt câu hỏi xung quanh tính khả thi của đề án trình Chính phủ trong việc đăng cai, tổ chức ASIAD  lần thứ 18 của Bộ VHTT&DL, đặc biệt là về con số tổng chi phí 150 triệu USD (khoảng 30.000 tỷ đồng). Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng đặt vấn đề: "Từ nay đến năm 2019 thì số tiền sẽ trượt giá là bao nhiêu? 150 triệu USD có đủ không? Hơn nữa, theo đề án của Bộ thì nguồn kinh phí từ xã hội hóa lên đến 72%. Tôi rất băn khoăn về tính khả thi". Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến cũng thẳng thắn: "Liệu có chuyện chia nhỏ tổng kinh phí dự kiến chi cho ASIAD 2019 ra làm nhiều gói để dư luận không giật mình về số tiền khủng hay không? Nếu tới đây tổ chức ASIAD mà số tiền đội lên gấp nhiều lần thì lấy nguồn đâu ra, ai chịu trách nhiệm?".
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.             Ảnh: QUANG THẮNG
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: QUANG THẮNG
 Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh: "Liên quan đến con số 150 triệu USD, đây là số dự tính,  trước khi dự tính chúng tôi đã tính toán hết các vấn đề. Các khâu tổ chức thi đấu, khai mạc, bế mạc rút kinh nghiệm các sự kiện đã tổ chức thành công. Chúng ta tổ chức ASIAD gắn liền với chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng của Thủ đô Hà Nội. Như vậy, sân bay, đường sá Hà Nội sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn của T.Ư và địa phương. Cơ sở vật chất như thế nếu biết tiết kiệm, căn cơ thì có thể tổ chức thành công ASIAD". Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, con số 150 triệu USD trong đề án ASIAD 2019 là hoàn toàn khả thi, sau khi đã được tách riêng những chi phí phát triển cơ sở hạ tầng của TP, địa điểm thi đấu sang ngân sách T.Ư nằm trong chiến lược phát triển chung.

Giải trình thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết: Ngân sách xây dựng mới các công trình thể thao vào khoảng 3.000 tỷ đồng, cũng như để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất sẵn có vào khoảng hơn 2.100 tỷ đồng đã được thông qua và đang trong quá trình giải ngân. Tuy nhiên, không nên xây dựng làng vận động viên do không đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, địa điểm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, có thể rà soát, thống kê kỹ càng để tận dụng tối đa danh sách khách sạn đạt chuẩn ở xung quanh địa điểm thi đấu, nhằm phục vụ ASIAD. Riêng đối với dự án sân đua xe đạp lòng chảo (khoảng 500 triệu USD), Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng: Phương án mà ngành thể thao đưa ra là xã hội hóa các công trình này với sự tham gia của đối tác nước ngoài và tập đoàn kinh tế mạnh trong nước. Các đối tác này cũng hào hứng với ý tưởng đầu tư nhưng đòi hỏi về quyền lợi, đặc biệt là thuế sau khi triển khai hoạt động cá cược lại nằm ngoài những quy định hiện hành. Nếu chọn phương án khác, chúng ta cũng phải mất chừng 3.000 - 4.000 tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương cũng đề nghị, cần xem xét lại kế hoạch xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo. Nếu không có sân thì có thể không tổ chức môn này nữa. Vì nếu ngân sách bỏ ra 300 - 400 tỷ đồng để làm sân xong chỉ đua một lần rồi bỏ đi thì không cần thiết.

Trả lời cho các câu hỏi của ĐB Quốc hội về giải pháp ngăn chặn nạn tiêu cực trong bóng đá, những khó khăn của thể thao thành tích cao cũng như tình trạng các nhà tài trợ xa rời thể thao, gây khó khăn trong quá trình xã hội hóa thể thao, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định, những tiêu cực trong thể thao đã và đang giảm dần, như một tín hiệu đầy lạc quan trong việc định hướng và phát triển nền thể thao trong nước.