Đề án số hóa dữ liệu về dân cư: Tăng hiệu quả đến với người dân

Bạch Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc làm việc cuối tuần qua với đoàn công tác Bộ Tư pháp về Đề án 06, Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn kiến nghị Bộ Tư pháp, Bộ Công an, BHXH Việt Nam, Bộ LĐTB&XH phối hợp sớm triển khai kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu hộ tịch, dân cư, BHXH, LĐTB&XH.

Người dân làm căn cước công dân tại Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn  
Người dân làm căn cước công dân tại Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn  

Những kết quả khả quan

Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Sở Tư pháp đã xây dựng 03 dự thảo Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử qua Cổng Dịch vụ công gửi các cơ quan liên quan để góp ý, tổng hợp, trình UBND TP ban hành.

Việc liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp Thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em: Qua 05 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế toàn TP giải quyết được lượng hồ sơ khá lớn, trong đó: Đăng ký khai sinh hơn 750.000 hồ sơ; Cấp Thẻ bảo hiểm y tế hơn 700.000 hồ sơ; Đăng ký thường trú hơn 650.000 hồ sơ…

Nếu công dân thực hiện riêng lẻ từng thủ tục thì thời gian giải quyết là 28 ngày, nếu liên thông thì thời gian giải quyết là 7 ngày làm việc, công dân nhận được 3 kết quả: Giấy khai sinh, thẻ Bảo hiểm y tế, đăng ký thường trú.
Việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp: Hàng năm, Sở Tư pháp tiếp nhận, giải quyết hơn 80.000 hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Trong đó hồ sơ nộp trực tuyến chiếm trên 90% qua Cổng Dịch vụ công Lý lịch tư pháp.

Mặc dù tỷ lệ chậm muộn rất thấp, tuy nhiên, chưa được kết nối, chia sẻ với Phần mềm nghiệp vụ Lý lịch tư pháp, Cổng Dịch vụ công, Một cửa điện tử TP, khiến công dân, công chức phải nhập dữ liệu nhiều lần trên nhiều phần mềm, tốn giấy tờ, thời gian trong nộp hồ sơ, tiếp nhận, xác minh, giải quyết.

Trong thời gian tới, Sở Tư pháp, Công an, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP sẽ phối hợp chỉ đạo UBND, công an cấp xã, BHXH cấp huyện liên thông thủ tục hành chính, cập nhật vào Cổng Dịch vụ công, Một cửa điện tử TP tích hợp, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu hộ tịch, BHXH, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

Qua đó, Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Công an, BHXH Việt Nam tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về liên thông thủ tục hành chính thay thế Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT; Phối hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu hộ tịch, dân cư, BHXH. Phối hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các Hệ thống Dịch vụ công, Một cửa, Lý lịch tư pháp, Cơ sở dữ liệu dân cư; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu với TAND, VKSND.

Những giải pháp cụ thể để tăng tương tác với người dân

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả công tác của Sở Tư pháp Hà Nội. Đề án 06 chỉ mới bắt đầu nhưng Hà Nội đã rất quyết liệt, Sở Tư pháp đã chủ động trong việc triển khai thực hiện.

“Trong danh mục của Đề án 06 có 6 thủ tục liên quan trực tiếp đến ngành tư pháp. Qua báo cáo, cho thấy Sở Tư pháp Hà Nội đã rất chủ động trong việc thực hiện đề án, đã phác thảo lại những quy trình thủ tục, hiện nay theo quy định của pháp luật, cách đặt vấn đề của Hà Nội là chính xác, đúng quy trình pháp luật. Hà Nội đã làm rất tốt khi đi trước một bước, có sự tham khảo ý kiến của các cơ quan, đơn vị…”- Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tư pháp cũng kiến nghị xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động sử dụng phần mềm Android, IOS để công dân có thể truy cập Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công bộ, ngành, Cổng Dịch vụ công TP nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại di động, máy tính bảng.

Bên cạnh đó, đề nghị Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Công nghệ thông tin tham mưu Bộ Tư pháp thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật ngân sách, đầu tư công, công nghệ thông tin, đấu thầu nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch, Phần mềm Lý lịch tư pháp kết nối, chia sẻ Cổng Dịch vụ công, Một cửa điện tử TP, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, trong bối cảnh thời hạn giải quyết hồ sơ ngắn, số lượng hồ sơ, công dân, công chức sử dụng Phần mềm ngày càng nhiều.

Đề nghị Bộ Tư pháp xây dựng vị trí việc làm công nghệ thông tin tại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp để có nguồn nhân lực có trình độ công nghệ thông tin, có kinh nghiệm, nghiệp vụ tư pháp sẵn sàng thực hiện kịp thời, hiệu quả các đề án, dự án, nhiệm vụ công nghệ thông tin. Đồng thời, đề nghị phân quyền cho trưởng Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã quản trị tài khoản (mở, đóng, khôi phục tài khoản) của công chức tư pháp - hộ tịch xã, phường thì trấn.